Người xưa gọi đây là Đế Đạo, là Đạo của Chân Lý. Đạo mà các Tôn Giáo chân chính rao giảng và thực hiện những điều thánh thiện. Đạo mà là hướng của Văn Hóa vươn tới. Còn trong cuộc sống thực tế vô thường tương đối này thì lý tưởng của người làm chính trị và xây dựng cho thể chế của quốc gia là Vương Đạo, là Đạo của Dân Chủ rộng mở cho toàn dân nhằm thể hiện Dân Quyền. Người dân có toàn quyền tự do lựa chọn thể chế và người cầm quyền của mình. Đạo của các chế độ độc tài bạo trị, các đế quốc thống trị, các đoàn thể chính trị quá khích, tôn thờ bạo lực là Bá Đạo. tức là Đạo của Độc Tài khủng bố toàn trị. Còn các chế độ, chính quyền, đảng phái vừa độc tài, vừa tham nhũng, hại dân, hại nước, buôn dân, bán nước như chế độ Việtcộng hiện nay thì đó là Tặc Đạo, là Đạo của Kẻ Cướp. Ngoài ra các chế độ, các chính quyền, các chính đảng “ăn xổi ở thì”, gặp đâu làm đó, sai rồi sửa, sửa rồi vẫn sai, đó gọi là Mạt Đạo. Vậy “Chính Trị Đạo” gồm: Đế Đạo, Vương Đạo, Bá Đạo, Tặc Đạo. 2 đường chính là Đế Đạo và Vương Đạo, tức là Chính Đạo. 2 đường tà là Bá Đạo và Tặc Đạo, tức là Tà Đạo. Chính, Tà đều do mỗi người, mỗi đoàn thể, mỗi thế lực tự do, chủ động suy nghĩ, phán đoán và lựa chọn. Tất cả là ở người, do người mà chính trị trở thành tốt hay xấu.
Đã là người có trí khôn, sống giữa xã hội người thì không thể không làm chính trị, và có làm hay không cũng đều bị hệ lụy vào guồng máy chính trị cả. Khi nói tới Quyền là nói tới Quyền Lực Chính Trị. Giáo Quyền là quyền lực chính trị của Tôn Giáo. Thế Quyền là quyền lực chính trị của Chính Quyền cai trị. Dân Quyền là quyền lực chính trị của Công Dân. Nhân Quyền là quyền lực chính trị thuộc về Con Người. Đòi Nhân Quyền là đòi quyền lực chính trị của Con Người, vì Con Người, cho Con Người vậy.
Trước, nay, người đời thường lẫn lộn giữa hai lãnh vực chính quyền cai trị, với chính trị dân sự. Vẫn theo quan niệm của thời Phong Kiến, cho rằng: Chỉ có Vua, Quan cầm quyền, thực hiện chủ trương, chính sách, đường lối, thi hành luật lệ quốc gia, và những hoạt động của kẻ thống trị, hay sinh hoạt đảng phái, nhằm cướp chính quyền, mới cho đó là làm chính trị, còn dân không có quyền chính trị. Người dân trong nước là Thần Dân của Vua. Sơn Hà của Vua. Xã Tắc của Vua. Vua thay Trời trị Dân. Vua dựa vào Thần Quyền, nhân danh thần quyền để tạo ra quyền lực chính trị cho mình, cho dòng họ mình, rồi ban quyền cho quan chức để thống trị toàn dân. Dân không có quyền biết, bàn, và làm chính trị. Nhưng ở thời đại Dân Chủ Tự Do ngày nay thì, Quyền Chính Trị thuộc về Toàn Dân. Người Dân là chủ nhân ông có thẩm quyền đích thực về Quốc Gia mình. Tất cả mọi công dân đều phải làm chính trị, phải có bổn phận chính trị, phải có trách nhiệm về Sinh Mạng Chính Trị của mình và của Quốc Gia. Ý chí toàn dân tạo thành quyền lực chính trị quốc gia thể hiện qua luật pháp và chế độ. Nên phải biết suy nghĩ phán đoán để ra ứng cử, hoặc lựa chọn người đại diện mình bầu vào chính quyền. Hay quyết định gia nhập một tổ chức Tôn Giáo, Văn Hóa, Xã Hội, Nghiệp Vụ nào đó để thực hiện lý tưởng, cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đó đều là thái độ và là hành vi chính trị cả.
Ngay các tổ chức Tôn Giáo cũng không thoát khỏi chính trị. Vì không một tôn giáo nào lại không có mục đích truyền bá giáo lý, giáo pháp của mình phổ cập tới mọi người, khắp chốn. Để đem Đạo vào Đời thì phải có Giáo Hội. Có giáo hội là phải có giáo chủ, có giáo lý, có đền thờ, có tổ chức, có tu sĩ , có giáo dân, có giáo quyền, có cơ sở, có phương tiện, có chủ trương, có đường lối, có phương pháp truyền đạo. Tức là có đối nội, đối ngoại, có làm chính trị. Chỉ khác là các tôn giáo tuy có xây dựng Giáo Quyền, mà không phải là để đoạt Thế Quyền. Giáo Hội bất cứ thuộc tôn giáo nào cũng không thể trực tiếp cầm quyền cai trị, không trùm phủ lên chính quyền, bắt Thế Quyền làm công cụ phục vụ cho Giáo Quyền như khuynh hướng Hồi Giáo toàn thống hiện nay, để đẩy nhân loại vào các cuộc thánh chiến nguy hiểm. Ngược lại Chính Quyền cũng không thể lợi dụng Giáo Quyền làm công cụ cho Thế Quyền để thỏa mãn tham vọng Đế Quốc Thống Trị của mình, như ở Trunghoa, Lamã xưa, và Cộngsản nay.
Bước vào thời thành lập Quốc Gia, thì Thế Quyền hoàn toàn nằm trong tay Nhà Vua và Triều Đình Phong Kiến để lãnh đạo, điều hành Quốc Gia. Giáo Quyền thuộc về các Tôn Giáo thờ kính Thần Linh, hay tin nhận Tâm Linh để chăm sóc, hướng dẫn tinh thần và bảo vệ đạo đức cho Toàn Dân. Thế nhưng, trong quá trình lịch sử, hai thế lực Giáo Quyền và Thế Quyền vì tham vọng độc tôn, thường rơi vào cảnh cạnh tranh lấn vượt, tiếm quyền của nhau, nhằm thống trị Quốc Dân gây ra không biết bao nhiêu cảnh tàn sát, khổ lụy cho loài người. Một khi ở Quốc Gia nào đó, Thế Quyền khống chế nổi Giáo Quyền, hay ngược lại Giáo Quyền nắm được Thế Quyền thì sẽ thành Chế Độ Toàn Thống, thường biến Quốc Gia đó thành Đế Quốc xâm lăng các nước chung quanh, đây là một thảm họa lớn đối với nhân loại.
Đế Quốc Trung Hoa. Hán Võ Đế -140 – 87 trước Tây Lịch, dùng Pháp Trị của Hàn Phi, để cho Nhà Vua nắm hết mọi quyền hành quốc gia, với chủ trương “Trung Quân Ái Quốc” “Quân xử Thần tử, Thần bất tử, bất trung”. “Trung Thần bất sự nhị Quân”, biến Vua thành nhà Độc Tài Bạo Trị. Rồi tổng hợp với nền Đạo Học Nho Giáo lấy “Tam Tài là Thiên, Địa, Nhân”. “Tam Cương là Quân, Sư, Phụ”. “Ngũ Thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, và “phương pháp Nhân Trị”của Khổng Tử làm kim chỉ nam để giáo hóa dân chúng và tuyên dương danh nghĩa Đế Quốc Đại Hán. Vì theo trật tự đẳng cấp Vua đứng trên Sư, nên Thế Quyền trùm lên Giáo Quyền, khiến ở Trunghoa Tôn Giáo đều do Triều Đình tấn phong. Giáo Quyền không thể độc lập phát triển nổi. Theo đề nghị của Đổng Trọng Thư, Võ Đế lấy Nho Giáo làm Quốc Giáo, tôn Khổng Tử làm “Vạn Thế Sư Biểu”. Từ đó tạo ra nền Chính Trị Phong Kiến Đế Quốc Đại Hán pha trộn giữa Pháp Trị với Nhân Trị dẫn tới tình trạng cá nhân độc tôn duy ý chí bạo trị. Vượt qua thời Hán, kéo dài mãi tới ngày nay. Dù Trunghoa đã trải qua 2 cuộc gọi là Cách Mạng Tư Sản Dân Quyền 1911 của Tôn Dật Tiên, và cuộc Cách Mạng Cộng Sản Toàn Trị 1949, của Mao Trạch Đông, thì tinh thần Phong Kiến Bạo Trị, Đế Quốc Đại Hán ở giới cầm quyền Trunghoa ngày càng quái hóa thêm.
Đế Quốc Lamã. Trên 3 trăm năm, các Hoàng Đế Lamã tàn sát Kitô Giáo từ thuộc quốc Do Thái truyền vào Lamã. Đạo Kitô của Đức Jésus càng bị cấm đoán, đầy đọa, giết hại, càng phát triển lan tràn ra khắp Đế Quốc. Hoàngđế Constantine, muốn an dân, bình trị thiên hạ, nên năm 313 đã phải chính thức ra sắc chỉ nhìn nhận Kitô Giáo là Công Giáo của toàn Đế Quốc. Năm 314, ông triệu tập Hội Đồng Giám Mục thành lập Giáo Hội Kitô Giáo Lamã. Nhưng vị cầm đầu Giáo Hội là Giáo Hoàng phải do Hoàngđế chỉ định. Như vậy là Thế Quyền Lamã xử dụng Giáo Hội Kitô làm công cụ cho Đế Quốc. Mãi tới năm 1059, Giáo Hội mới thành lập được Hồng Y Đoàn để tự bầu lên Giáo Hoàng, từ đây Giáo Hội Kitô Giáo mới củng cố được Giáo Quyền Độc Lập. Cuộc tranh chấp quyền lực lãnh đạo giữa Giáo Quyền của Giáo Hội với Thế Quyền của Vua Chúa Âu Châu liên tục nổ ra. Thế Quyền là nhất thời, Giáo Quyền là trường cửu. Giáo Hội Kitô Lamã lan truyền ra khắp thế giới. Phong trào Thực Dân theo gót các nhà truyền giáo mà mở mang thuộc điạ…Tới năm 1962, Cộng Đồng Vaticano II, mới công bố chủ trương “Đem Đạo vào Đời”. “Tách Giáo Hội khỏi Thế Quyền”. “Các tu sĩ không được nắm chính quyền và làm chính trị đảng phái”. Tức là Giáo Hội Kitô Giáo Lamã chính thức phân nhiệm chính trị giữa Giáo Quyền và Thế Quyền.
Hiện nay trên thế giới chỉ còn Hồi Giáo là theo đuổi chủ trương Giáo Quyền Toàn Thống. Tiên tri Mohammed, học từ Do Thái Giáo và Kitô Giáo, vào thế kỷ thứ 7, Ông thành lập Đạo Hồi, tôn thờ một vị Nam thần duy nhất là Allah, đấng toàn năng tối thượng điều khiển vũ trụ, vạn hữu và loài người. Đạo Hồi có bản chất Nam tính cực đoan. Ông tự nhận là vị tiên tri lớn nhất do Thượng Đế Allah gửi đến cho thế giới. Tiên tri Mohammed có khí phách của một Đại Đế, hơn là vị Giáo Chủ nhân từ sẵn sàng nhận lấy phần hy sinh về mình. Ngược lại, Mohammed luôn luôn đòi phần thắng cho mình. Ông tuyên bố: “Thánh chiến với bất cứ ai, bất cứ quốc gia nào không theo đạo Hồi”. Bởi đó, Hồi Giáo biến thành một Đại Đế Quốc, phía Tây từ Y-pha-Nho, phía Đông tới sông Hằng Ấn Độ. Từ năm 1096 đến 1720, Hồi Giáo tiến vào trung tâm Âu Lục tạo thành cuộc Thánh Chiến với Kitô Giáo và các nước Âu Châu. Hồi Giáo bị Kitô Giáo chận ở Âuchâu, bị Ấn Độ Giáo đẩy lùi xuống Đông Nam Á rồi trụ ở 2 nước Malaysia và Indonesia. Do đó, Vua trong các nước Hồi Giáo từ xưa, nay, đều kiêm luôn chức Giáo Lãnh của Đạo Hồi.
Đến thời Dân Chủ, nhiều nước Hồi Giáo theo khuynh hướng của Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập các chính quyền cai trị bởi chế độ thế tục. Năm 1979, Ayatollah Khomeini thực hiện cuộc cách mạng Hồi Giáo tại vương quốc Iran. Tạo lập ra một Hội Đồng Tu Sĩ Hồi Giáo Tối Cao, bao trùm lên Chính Quyền Quốc Gia, trực tiếp lãnh đạo Quốc Dân, thi hành Luật Hồi Giáo. Từ đó các phong trào Hồi Giáo Quá Khích thi nhau xuất hiện, để cổ xúy cho chế độ Hồi Giáo Toàn Thống. Nổi bật nhất là tồ chức Hồi Giáo Khủng Bố al Qaeda, do Osama bin Laden lãnh đạo. Đã áp dụng kiểu “ôm bom tự sát”của Palestine. Cướp máy bay dân sự Hoakỳ biến thành quả bom bay khổng lồ, lao thẳng vào và hủy diệt tòa nhà Tháp Đôi thành bình địa, ở khu trung tâm thương mại New York, và một phần Ngũ Giác Đài, biểu tượng cho sức mạnh quân sự vô địch của Mỹ. Cuộc Chiến Quốc Tế “Chống Khủng Bố” toàn diện, quyết liệt, khổ đau, đầy máu, nước mắt, tiền tài, do Mỹ cầm đầu nổ ra chưa thấy ngày kết thúc.
Trong tiến trình lịch sử nhân loại, thường thấy xuất hiện cảnh Tôn Giáo và Vua Chúa luôn luôn tranh chấp với nhau. Giáo Quyền lấn vượt Thế Quyền, hay ngược lại Thế Quyền khống chế Giáo Quyền, hoặc thế lực này lợi dụng thế lực kia, để thống trị nhân loại, đó là mối họa khủng khiếp nhất đối với thế giới. Trong cảnh khổ đau triền miên không lối thoát ấy, cũng như biết rõ Con Người phải sống trong kiếp sinh, già, bệnh, chết và đói nghèo, rét lạnh đe dọa thường xuyên. Thái tử Tất Đạt Đa, đã quyết định lựa chọn, bỏ vương vị quyền uy, thế tập, đi tu tìm đạo giải thoát. Như vậy ngay từ khởi thủy Đạo Phật đã tự chủ động tách Tôn Giáo khỏi Chính Quyền. Tách Giáo Quyền khỏi Thế Quyền. Ở thời ấy, giáo quyền Bà La Môn Giáo trùm lên thế quyền của Vua Chúa Ấn Độ. Bởi vậy, trong luật do chính Đức Phật lập ra mới có điều khoản: “Là quan chức và chưa chính thức từ quan, không được thọ đại giới Tỳ Kheo” Nghiã là Tăng sĩ Phật Giáo không được đảm nhận chức quyền, không được tham gia Thế Quyền Cai Trị. Cũng có nghĩa là Phật Giáo phải luôn luôn ở vị trí Giáo Quyền trong tư thế Văn Hóa đến thẳng với người dân, hướng dẫn dân trong tiến trình mỗi người tự tu “tự giác, giác tha, giác hành viên mãn”. Không lừa mị, cao áp, hù dọa; không làm công cụ cho chính quyền để thống trị dân; không tranh quyền, cướp nước, rồi ngụy biện cho đó như phương tiện truyền đạo, mà chỉ được dùng Đế Đạo, tức là Đạo của Chân Lý để hoằng dương chánh pháp thôi.
Chính vì thế, mà mỗi lần Phật Giáo bị đưa lên làm Quốc Giáo cho một Quốc Gia nào đấy, thì liền sau đó đều mang họa không nhỏ. Lần đầu là tại Ấn Độ, Đại Đế Asoka -268 đến -232 trước Tây lịch, sau khi dùng binh lực tàn sát các nước nhỏ, thống nhất Ấn Độ thành một Đế Quốc, ông khởi tâm hướng Phật, lấy Phật Giáo là Công Giáo cho toàn Đế Quốc, bỏ Bà La Môn Giáo vốn là tôn giáo phổ biến trong nhân gian tại lục địa Ấn Độ. Nhưng sau khi triều đại Asoka tàn, thì Bà La Môn Giáo quật khởi, đẩy Phật Giáo ra khỏi lục địa Ấnđộ, chạy lên phía Bắc trụ ở Nepal, xuống phía Nam thì trụ ở Tích Lan. Cho đến nay, xứ Ấn là quê hương của Đạo Phật, mà chỉ còn di tích Phật Giáo, chứ người theo Đạo Phật thì rất hiếm.
Lần thứ hai tại Việtnam. Vào đầu mùa tự chủ năm 968, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong Thập Nhị Xứ Quân, lên ngôi Hoàng Đế. Đinh Tiên Hoàng Đế được nhiều Tăng Sĩ Phật Giáo có tài phò trợ, nhất là về mặt ngoại giao. Nhà Vua phong Ngài Khuông Việt là Tăng Thống. Sang Thời Tiền Lê. Phật Giáo vẫn được xem như Quốc Giáo, vì tuyệt đại đa số dân Việt thời đó đều thờ Phật. Nhưng bản chất của Đạo Phật là Đế Đạo, không thích hợp ở Triều Đình Phong Kiến. Dưới thời Lê Long Đĩnh 1005-1009, Long Đĩnh giết anh để cướp ngôi, từ đó lấy việc giết người làm trò chơi. Giới Tăng Sĩ khuyên can đều bị hại. Phật Giáo gặp đại nạn.
Thời Lý Công Uẩn 1010-1225, lập ra nhà Lý. Vị cố vấn cho vua Lý Thái Tổ là Vạn Hạnh Thiền Sư mới đem Phật Giáo về đúng vị thế của mình. Tăng Sĩ Phật Giáo trở về với toàn dân, trao Triều Đình lại cho Nho Sĩ Khổng Giáo để phò vua, giúp nước. Phân định giữa Giáo Quyền và Thế Quyền độc lập mà tương trợ nhau để phụng sự dân, nước. Thực hiện cuộc Viên Dung Tôn Giáo, triển khai nền Văn Hóa Dân Tộc Dung Hóa cả ba nguồn Đạo Học Đông Phương là Phật, Lão, Khổng. Xây dựng nền Văn Hiến Đa Nguyên, Phân Nhiệm, Điều Hợp cá biệt với hệ thống sinh hoạt hữu vi độc tôn của Trunghoa. Tư tưởng Việtnam lấy Con Người tự chủ làm cứu cánh, lấy Dân Tộc độc lập làm chủ đạo cho mọi sinh hoạt. Nói cách khác, đó chính là lối Nhận Thức Nhân Chủ Nhân Văn mà thời đại ngày nay đang tiến tới.
Nhưng bất hạnh cho Dân Tộc, đại họa của Toàn Dân, và cũng là mối nguy đối với Thế Giới hiện nay là Dòng Sống Văn Hóa Viên Dung Tôn giáo truyền thống của Dân Tộc và cũng là hướng vươn tới của Toàn Thế Giới, đang bị chế độ cộng sản vô thần, vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo, phi nhân tính, phi dân tộc, phi văn hóa đã biến thái thành chế độ đạo tặc, độc tài, tham nhũng, ngu si, đang cố dìm toàn dân và đất nước vào vòng nô lệ Tầucộng, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việtnam. Khiến cho toàn vùng Á châu bị nằm trong vòng đe dọa thường trực của bọn Bành Trướng Bắc Kinh. Khiến cho Thế Giới bị đặt trong tình thế bất an thường xuyên. Việc phục hồi sức mạnh Dân Tộc, tinh thần độc lập Quốc Gia và ý thức tự do tự chủ của Toàn Dân Việtnam, nhằm Dân Chủ Hóa chế độ, đó là sinh lộ của Việtnam thoát khỏi chế độ Tặc Đạo Việtcộng và cũng tạo nổi thế Liên Minh Dân Chủ Phòng Thủ Chung đối với các nước Đông Nam Á và Thế Giới, để làm cùn nhụt khí thế Bành Trướng của Trungcộng, có như vậy Việtnam mới thực sự được tự do, độc lập, tự chủ phát triển thịnh vượng trong hoà bình, để Quốc Gia Chủ Động hội nhập tiến trình Toàn Cầu Hóa với Nhận Thức Nhân Chủ Nhân Văn thời đại.
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Xuân Canh Dần 2010
0 Responses to VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ