Lý Đại Nguyên

Dù chống Mỹ, ghét Mỹ, hay thân Mỹ, thích Mỹ cách mấy, thì thực tế vẫn phải nhận ra rằng:  Chiến lược toàn cầu của Mỹ hướng về đâu, nơi đó trở thành biến cố mang tính thời sự quốc tế. Sau cuộc khủng bố 911 năm 2001, bọn Khủng Bố Quốc Tế đánh vào nước Mỹ, chính phủ Mỹ phát động cuộc chiến tranh “Chống Khủng Bố” toàn cầu. Năm 2001 quân đội Hoakỳ với kỹ thuật chiến tranh hiện đại tiến đánh vào sào huyệt của tổ chức al-Qaeda, do tên trùm khủng bố Osama bin Laden cầm đầu, được chính phủ Taliban ở Afghanistan dung dưỡng. Cuộc chiến lật đổ chính quyền Taliban của lãnh tụ Mullah Omar thành công chớp nhoáng, ngoạn mục, được cả thế giới hưởng ứng. Taliban và al-Qaeda chạy trốn. Một chính quyền dân sự đoàn kết các lực lượng dân quân vũ trang do tổng thống Hamid Karzai được thành lập. Tuy chính quyền đã được hợp thức hóa bằng cuộc tổng tuyển cử tự do vào năm 2004, với 70% cử tri ủng hộ. Được quân đội khối NATO và Hoakỳ đảm trách an ninh. Nhưng nước này đã từ lâu loạn lạc, bị phân hóa, nghèo đói, bất công, nên cánh Taliban còn cơ hội hoạt động. Chiến tranh dần dần bộc phát trở lại. Trong khi đó năm 2003, Mỹ lại mở trận chiến tiêu diệt chính quyền độc tài Saddam Hussein tại Iraq. Cuộc chiến bị các nước Đồng Minh Âu Châu phản đối. Chính phủ Mỹ dùng sức mạnh quân sự siêu cường của mình, mau chóng tiêu diệt được chế độ Saddam Hussein. Nhưng lại vấp phải sai lầm là không biết sử dụng binh lính và cảnh sát Iraq, trả lương cao cho họ, giữ họ trong tay, để làm công việc trị an xã hội, vì chế độ Saddam Hussein là chế độ độc tài cá nhân gia đình trị, binh lính và cảnh sát chỉ là những người thừa hành, không phải là đồng chí của nhà độc tài. Nếu không bị dồn vào tử địa thì chẳng ai trung thành với lãnh tụ độc tài cá nhân để cam tâm ôm bom khủng bố tự sát cả, dù họ có cùng là giáo phái Sunni với Saddam Hussein cũng vậy. Vì chính sách đánh đồng cá nhân, gia đình Saddam với hệ thống an ninh Iraq và giáo phái Sunni của giới quân sự Mỹ, nên nhóm khủng bố al-Qaeda đã lợi dụng tình thế, cấy được tinh thần khủng bố vào trong giới Hồi giáo Sunni để trở thành lực lượng giáo phái khủng bố. Đẩy Iraq vào  cuộc tương tranh giáo phái.
Cũng may là Mỹ đã kiên trì hỗ trợ hết mình cho người Iraq thực hiện cuộc Dân Chủ Hóa chế độ, nhằm hóa giải những xung đột giáo phái. Cuối cùng tăng quân chiến đấu phá tan các khu an toàn của khủng bố, làm cho nhóm khủng bố quốc tế hết khả năng đoạt chính quyền và sách động các giáo phái tạo loạn. Cuối năm 2008, Mỹ tuyên bố lịch trình rút quân khỏi Iraq. Cuộc chiến Iraq hiện nay chỉ còn rớt lại các cuộc ôm bom tự sát đánh vào thường dân Iraq, làm cho dân chúng Iraq căm ghét. Chính nhờ Dân Chủ Hóa chế độ, mà dân Iraq đã từng bước “chống khủng bố” hữu hiệu. Từ kinh nghiệm ở Iraq, mà hiện nay Quốc Tế  quan tâm theo sát cuộc bầu tổng thống tại Afghanistan giữa ông Harmid Karzai với ông Abdullah Abdullah. Vì nghi ngờ là có gian lận bầu cử đưa đến việc đương kim tổng thống Karzai thắng cử ngay trong vòng đầu. Nên một Uỷ Ban Bầu Cử Độc Lập phải cho kiểm phiếu lại. Ông Karzai đã bị rớt phiếu xuống dưới mức 50%. Tổng thống Karzai mau chóng chấp nhận cuộc  bỏ phiếu vòng 2, dự trù vào ngày 07/11/09. Tổng thống Mỹ, Barack Obama chờ kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan sẽ đổ thêm 40 ngàn quân Mỹ vào Afghanistan, theo yêu cầu của vị tư lệnh chiến trường, Đại tướng Stanley McChrystal, để phối hợp với NATO và quân đội Pakistan được Mỹ viện trợ, đang mở chiến dịch quy mô truy quét và phá tan các cứ điểm trú thân của Taliban và al-Qaeda trên lãnh thổ Afghanistan và Pakistan. Đến như vậy thì vai trò al-Qaeda sẽ chấm dứt. Phe Taliban có thể về hợp tác với chính phủ Kabul trong chế độ Dân Chủ Tự Do.
Việc tổng thống Mỹ, Barack Obama chọn ngày 17/09/09  loan báo bỏ hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa tại Đông Âu,  khiến cho quan hệ giữa Nga và Liên Âu ấm lại.  Nga trở thành Liên Minh Chiến Lược của Mỹ về vấn đề ngăn phát triển vũ khí nguyên tử tại Iran và Bắc Hàn. Hai bên tiến hành đàm phán về Hiệp Ước Giảm Bớt Vũ Khí Hạt Nhân Chiến Lược - START- Khi mà quan hệ chiến lược giữa Mỹ - Nga đã gắn liền, khối NATO hợp tác chặt chẽ với Nga, thì dù tương quan chính trị giữa Nga - Tầu có mặn mòi, tương  quan thương mại giữa Mỹ - Tầu không thể thiếu nhau, về ngoại giao có làm nhau đỡ mất mặt, như việc TT. Obama hoãn tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma trước chuyến công du Á châu của ông vào tháng 11/09, thì  những va chạm từ thương mại đến an ninh, quốc phòng giữa Mỹ - Tầu vẫn lừng lững hiện hữu.
Rõ ràng là Mỹ đặt nặng vấn đề chiến lược “Diễn Biến Hòa Bình” tại Á châu. Mà ưu tiên hàng đầu là “Ngăn Bành Trướng” của Tầucộng. Với chủ trương trở lại Á châu. Mỹ không chỉ dựa vào sự hiện diện của sức mạnh quân sự Mỹ tại đây, mà Mỹ còn phải trực tiếp “nhập nội” toàn diện ở các nước Á châu, kể cả ở Trungcộng để làm cái thắng đối với Trungcộng. Có như vậy mới giúp các nước Á châu phát triển kinh tế để từng bước Dân Chủ Hoá chế độ. Chỉ khi nào các nước láng giềng của Hoalục thực sự ‘dân chủ hóa’, kinh tế phát triển, như trường hợp Nam Hàn hiện nay, thì mới đủ sức tự phòng thủ, không bị Trungcộng bắt nạt. Từ đó làm cùn nhụt tham vọng Đế Quốc Bành Trướng Đại Hán của giới cầm quyền và người dân Trunghoa, giúp  người Trunghoa hướng tâm vào  việc Dân Chủ Hóa chế độ thì Á châu mới được yên lành. Đã đến lúc các nước Dân Chủ lớn tại Á châu, như Nhật, Ấn, Úc… cần phải chủ động hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong chiến lược “Diễn Biến Hòa Bình” để vừa giữ cho ông TT. Barack Obama và chính giới Mỹ khỏi mềm lòng, yếu tay với Trungcộng, vừa trợ giúp các nước trong vùng có tinh thần và thực lực “Ngăn Bành Trướng” Bắckinh.
Có lẽ cũng biết không thể chống lại với “Dìễn Biến Hoà Bình”, nên Tầucộng đã và đang dùng bọn tay sai Việtcộng tiến hành thực hiện những “việc đã rồi” tại Việtnam. Thường xuyên công khai bắt giới lãnh đạo Việtcộng sang Tầu để ký kết những “văn kiện bán nước”. Và ra lệnh phải đàn áp Phong Trào Đòi Dân Chủ và Chống Tầu của toàn dân Việtnam. Trong khi tại Trùng Khánh ngày 16/10/09, Ôn Gia Bảo hứa với Nguyễn Tấn Dũng sẽ giải quyết các vấn đề biên giới và biển Đông một cách triệt để, thì dư luận trong nước đang sôi sục về việc ngư dân Quảng Ngãi khi tránh bão số 9 ở Hoàngsa đã bị lính Tầucộng xua đuổi, đánh đập, trấn lột một cách tàn nhẫn, dã man. Thực tế thì giới lãnh đạo Bắc Kinh đang triệt để vắt kiệt khả năng làm đầy tớ của phe Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa…Vì Bắckinh thấy được, những tên đầy tớ quá lộ liễu này, không hy vọng được đảng Việtcộng bầu vào vai trò lãnh đạo nữa. Nên chúng sử dụng thẳng tay. Nhưng, Dân Tộc và Toàn Dân Việt Nam dù rất nhân hậu, khoan dung, sẽ không bao giờ tha thứ cho cái tội bán nước đó được. 

  • Little Saigon ngày 20/10/2009.

Nếu không có nhận thức TỰ TRỌNG NHÂN PHẨM của mình - TỰ DO DÂN CHỦ của mình - thì cái gọi là "lòng yêu nước, tính dân tộc" chỉ là cảm tính nông nổi và bầy đàn, nếu chưa nói là gian man

Thư Mục