-Lý Đại Nguyên.-

Thông tấn xã AFP trích lời phó phụ tá Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Scot Marciel, nhân vật giữ chức Đại Sứ Hoakỳ tại khối ASEAN nói rằng: “3 năm sau khi mở lại quan hệ quân sự toàn diện với Indonesa, một thời bị trở ngại vì những quan tâm về nhân quyền, Hoakỳ khởi sự phát triển những quan hệ tương tự với Việtnam, Lào và Kampuchea”... “Tới cuối năm nay, chúng tôi cùng chính phủ Lào sẽ mở Văn Phòng Tham Tán quân sự tại thủ đô hai bên. Đây là bước tiến lớn và quan trọng.” Riêng về Việtnam và Hoakỳ đã trao đổi “Tham Tán Quân Sự” từ những năm 1990. Thoạt tiên để tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích. Có nghĩa chỉ là quan hệ quân sự dưới dạng nhân đạo do hậu quả cuộc chiến để lại. Mãi đến nay, tiến trình nhập nội Việtnam đã đến mức không thể đảo ngược, nên Hoakỳ mới chính thức nhận đó là Văn Phòng Tham Tán Quân Sự của Mỹ ở Việtnam, nhằm hướng tới quan hệ quốc phòng toàn diện với 3 nước Việt, Miên, Lào.

Nhưng các giới chức quân sự Mỹ bác bỏ quan niệm cho rằng: “Việc củng cố quan hệ quân sự với Việtnam, Lào và Kampuchea là để ngăn chặn ảnh hưởng đang gia tăng của Trungquốc trong vùng Đông Nam Á.” Một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết; “Đây chỉ là một phần của việc mở rộng mối quan hệ toàn diện với vùng này.” Còn theo các chuyên viên quân sự thì: “Trungquốc đang mau lẹ củng cố sức mạnh quân sự và có thể trở thành thách đố đối với sự chế ngự truyền thống của Hoakỳ trong khu vực này.” Các chuyên gia đó đưa ra chứng cứ về việc Trungcộng thiết đặt một căn cứ tiềm thủy đĩnh nguyên tử ngầm dưới mặt đất, ở mỏm cực Nam đảo Hảinam, sát với thủy lộ huyết mạch của vùng Đông Nam Á.

Cho tới nay, Washington và Hànội chỉ mới tiến hành các chuyến viếng thăm của tầu chiến Mỹ và chương trình dậy tiếng Anh cho sĩ quan Việtnam. Mỹ muốn mở rộng thêm các hoạt động huấn luyện và đào tạo. Đặc biệt là Quốc Hội Mỹ đã chấp thuận ghi vào ngân sách một khỏan viện trợ quân sự dành cho Việtnam trong tài khóa mới, Nhất là sau chuyến làm việc của Nguyễn Tấn Dũng với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Robert Gates ở Hoa Thịnh Đốn vừa qua, Dũng đã cam kết tiếp tục nâng cấp hợp tác quốc phòng với Mỹ. Điều đó hẳn Dũng phải được Bộ Chính Trị cộng đảng cho phép và trong hội nghị Trung Ương 7 tại Hànội vừa đây, chắc cũng đã tìm được sự đồng thuận của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, nên phía Bộ Ngoại Giao Mỹ mới cho công bố chủ trương hướng tới quan hệ quốc phòng toàn diện với 3 nước Việt Miên Lào.

Trong khi đó Bắc Kinh đang càng ngày càng tăng sự hiện diện kinh tế trong khu vực, nhất là tại Kampuchea và Lào. Thế nhưng theo ông Marciel thì: “Sự thực là Trung Quốc đang phát triển mạnh về kinh tế, và đóng vai trò ngày càng tích cực ở nhiều nơi trên thế giới, dĩ nhiên là ở Đông Nam Á.” “Thế nhưng không cho đây là việc được, mất (giữa Hoakỳ và Trungquốc)” Ngược lại giới chức quân sự trực tiếp có trách nhiệm về vấn đề an ninh trong vùng là Đô Đốc Timthy J. Keating, Tư Lệnh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương lại lên tiếng báo động về sự tranh giành các tài nguyên năng lượng trong vùng Biển Đông mới đáng quan ngại. Ông nói với báo Financial Times: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng, các nước có thể có lợi ích trong đó, nên hiểu, vùng Biển Đông có những luật lệ thành văn và bất thành văn. Các bạn không thể chỉ ra đó đấm ngực và tuyên bố, tôi có quyền khai thác mỏ ngay tại chỗ này”

Xem vậy giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ có quan điểm khác nhau về mối hiểm họa “Bành Trướng Trung Cộng”. Có thể vể mặt ngoại giao Mỹ đã đạt được một thỏa hiệp mật nào đó với Trungcộng, như việc Mỹ không còn sử dụng Đài Loan trong mục tiêu nuôi dưỡng chíến tranh với Trungcộng nữa, không chấp nhận cho Đài Loan được độc lập với Trung Hoa, không ngăn cản việc Trung, Đài hiệp thương hòa bình. Đổi lại như đã thấy, Trungcộng đang tích cực hợp tác với Mỹ trong việc buộc đàn em Hàncộng phải phá bỏ chương trình chế tạo bom nguyên tử. Riêng vấn đề 3 nước Đông Dương thì vẫn còn là một ẩn số. Nhưng khi Mỹ đã công khai tuyên bố thiết lập Quan Hệ Quốc Phòng Toàn Diện với 3 nước Đông Dương: Việt, Miên, Lào thì bức màn bí mật đã được hé mở.

Trước kia, Việtcộng theo Liên Xô chống Trungcộng, khi Liên Xô sụp đổ, Việtcộng liền quay lại thần phục Trungcộng. Kể từ ngày 03/09/1990, cuộc gặp giữa Phạm Văn Đồng - cố vấn, Nguyễn Văn Linh - tổng bí thư, Đỗ Mười - thủ tướng Việtcông với Đặng Tiểu Bình – lãnh tụ, Giang Trạch Dân - tổng bí thư, Lý Bằng - thủ tướng Trungcộng tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa, thì Việtcộng đã tự trói thân về với Trungcộng và dâng luôn 2 nước đàn em là Miên, Lào vào ảnh hưởng Trungcộng. Chính vì vậy mà việc thiết lập bang giao với Hoakỳ của Việtnam phải nhận lệnh từ quan thầy Trungcộng, nên mới có nhiều trắc trở, đến việc ký Thương Ước với Mỹ, Việtcộng cũng không dám ký trước Trungcộng. Nhất là việc hợp tác Quốc Phòng với Mỹ thì Việtcộng không chủ động chỉ rón rén thăm dò, chứ không dám lộ liễu. Nay việc Mỹ công khai tuyên bố quan hệ quốc phòng với cả 3 nước Đông Dương, nếu Trungcộng theo xuôi, không có những phản ứng chống đối dữ dội như thường lệ, buộc đàn em Việtcộng, Làocộng cưỡng lại, thì việc Mỹ nhập nội toàn diện vào 3 nước Việt, Miên, Lào, nhằm củng cố an ninh cho toàn vùng Đông Nam Á là điều quá rõ.

Việc Mỹ nhập nội toàn diện vào 3 nước Đông Dương là do nhu cầu chiến lược của Mỹ, và thế chẳng đặng đừng của Trungcộng, vì nhất thời có thể Trungcộng phải đánh đổi lấy quyền lợi sinh tử ở những nơi khác. Nhưng chừng nào Trungcộng chưa thực sự dân chủ hóa, chưa từ bỏ tham vọng bành trướng thì sự an ninh của các nước trong vùng vẫn thường xuyên bị đe dọa, dù về mặt công khai, các nước trong vùng vẫn duy trì được mối đối tác kinh tế với Trungcộng. Còn nếu chỉ dựa vào chiếc dù chiến lược của Mỹ, thì biết đâu một lúc nào đấy, chiến lược đó lại không đổi chiều, rồi bị rơi vào trường hợp Nam Việtnam trước đây? Đồng ý, hợp tác trong chiến lược toàn cầu của Mỹ ở lúc này là cần thiết. Nhưng muốn tạo nổi thế đứng chủ động thì Việtnam, Lào, Kampuchea phải kịp thời Dân Chủ Hóa chế độ. Tự Do Hoá xã hội. Tư Hữu Hoá kinh tế, nhằm phục hồi Nội Lực Dân Tộc đưa Quốc Gia mình chủ động gia nhập tiến trình Toàn Cầu Hóa. Còn cứ duy trì chế độ độc tài, độc đảng, tham nhũng cộng sản để bóc lột dân, đàn áp dân, chống lai dân, không dựa vào dân, mà chỉ biết dựa vào ngoại bang, thì thân phận Việtnam, Lào, Kampucheao, Kampuchea vẫn chỉ là con cờ thí không hơn không kém.

Little Sàigon ngày 15-07-2008

-Lý Đại Nguyên -

Vào đầu thập niên 70 của Thế Kỷ 20, khi Hoakỳ trao chiếc ghế Hội Viên Thường Trực của Hội Đồng Bảo An LHQ từ tay Trung Hoa - Đài Loan sang tay Trung Cộng – Hoa Lục, mà trước đó, nước này vốn sinh hoạt ngoài tổ chức LHQ, thì nước Mỹ cũng ban hành một đạo luật cung cấp phương tiện và khí tài cho Đài Loan, để hòn đảo này có thể tự bảo vệ mình. Đồng thời sẵn sàng tiếp sức với nước này khi bị một nước khác dùng sức mạnh quân sự để tấn công, hoặc đe dọa. Như vậy là Hoakỳ vừa thiết lập hòa bình với Trungcộng, nhằm chấm dứt cuộc chiến Việtnam, vừa cài lại Á Châu một ngòi nổ chiến tranh thường trực giữa eo biển Trung, Đài, mà Hoakỳ có thể danh chính ngôn thuận, hợp pháp đem quân vào can thiệp, nếu Trungcộng phát động chiến tranh thôn tính Đài Loan.

Cũng từ đó, Trungcộng chính thức thoát ra khỏi chiếc bóng của Liên Xô trên chính trường thế giới. Có cơ hội mở rộng bang giao, tiếp nhận đầu tư quốc tế, đổi mới kinh tế để trở thành một nhà nước độc đảng, độc tài cộng sản, lấy chủ nghĩa dân tộc đế quốc Đại Hán làm mục đích, lấy công ty quốc doanh làm chủ đạo cho kinh tế thị trường, biến cộng đảng thành một công ty tư bản man rợ cực quyền. Tuy thế đời sống người dân vùng kỹ nghệ đã được cởi mở, Nhưng lại đã phân hóa xã hội Trung Hoa giữa thành thị và nông thôn ra 2 thế giới giầu nghèo quá chênh lệch. Thời đó Quốc Dân Đảng di tản từ lục địa ra nắm quyền tại Đài Loan thường xuyên nêu cao danh nghĩa sẵn sàng “Quang Phục Trung Hoa”. Tuy là một xứ nhỏ, nhưng nhờ cuộc chiến Việtnam, với chương trình viện trợ đối giá của Mỹ, dùng hàng hóa Đài Loan, Nhật Bản cung cấp cho thị trường Việtnam, bởi thế khối lượng Mỹ Kim khổng lồ viện trợ cho chiến tranh Việtnam không vào tay người Việt, mà lại ào ào đổ vào tay người Nhật, người Đài, khiến cho nền kinh tế của họ mới mau cất cánh thành những con Rồng Châu Á.

Kinh tế Đài Loan càng phát triển mạnh, thì họ càng phải mua đủ loại vũ khí tối tân của Mỹ để phòng thủ. Đây được xem như gian hàng triển lãm các đợt vũ khí mới, mà Mỹ muốn giới thiệu với thế giới, không cần tới cuộc chiến như ở Đệ Nhị Thế Chiến, chiến Tranh Triều Tiên, chiến tranh Việtnam, chiến tranh Vùng Vịnh. Trungcộng không thể để thua kém, nên một phần lớn lợi nhuận thu được nhờ kinh tế thị trường nửa vời, họ cũng đổ vào việc hiện đại hoá quân đội, trang bị vũ khí, chế tạo cả ngàn hỏa tiễn hướng vào đe dọa Đài Loan, và cố vuơn lực lượng hải quân ra đại dương, khiến cho cả thế giới lo ngại. Nhật, Ấn, Úc trở thành đồng minh chiến luợc của Mỹ. Các nước chung quanh Trungcộng buộc phải đề cao âm mưu bành trướng Bắc Kinh. Nhất là 8 năm Đài Loan nằm dưới quyền lãnh đạo của tổng thống Trần Thụy Biển thuộc đảng Dân Tiến của những người gốc thổ dân Đài Loan, họ luôn luôn đòi Đài Loan được độc lập, nên bất cứ lúc nào chiến tranh Trung – Đài cũng có thế bùng nổ. Trong khi đó ngày 22/05/08, sau khi vừa đắc cử tổng thống Nga, Dmitry Medvedev liền sang Bắc Kinh gặp Hồ Cẩm Đào lãnh tụ Trungcộng ký một thông cáo chung lên án kế hoạch“Lá Chắn Hỏa Tiễn Phòng Thủ” của Mỹ ở Âu Châu, khiến cho tình thế thêm căng thẳng.

Nhưng sau cuộc tổng tuyễn cử tháng 03/2008 của Đài Loan, ông Mã Anh Cửu thuộc Quốc Dân Đảng được bầu vào chức Tổng Thống Đài Loan, và chính thức nhận chức ngày 20/05/08, thì tình thế đã lật ngược. Không còn chủ trương quang phục như cha anh, không đòi độc lập như đảng Dân Tiến, mà giữ nguyên trạng để 2 bờ eo biển tương tác, hợp tác cùng phát triển. Trước đó một cuộc gặp mặt lịch sử ngắn ngủi giữa Hồ Cẩm Đào với phó tổng thống Tiêu Vạn Tường, mới đắc cử của Đài Loan, bên lề cuộc hội thảo doanh nghiệp khu vực trên đảo Hải Nam vào ngày 12/04/08 đã mở ra một thời kỳ mới cho quan hệ giữa Trung – Đài. Dịp này phó ngoại trưởng Mỹ, John Negroponte cho rằng cuộc gặp giữa 2 ông Hồ-Tiêu là bước tiến tốt. Ngày 13/06/08, các nhà thương thuyết Trungcộng và Đàiloan đã đặt bút ký một thỏa thuận thực hiện các chuyến bay trực tiếp giữa 2 miền địch thủ lâu dài. Bắt đầu từ ngày 04/07/08. Trần Vân Lâm đại diện Trungcộng vả Giang Bỉnh Khôn đại điện Đài Loan cùng nâng ly sâm banh để ăn mừng. Báo Washington Post đưa tin: “Kế hoạch của Hoakỳ nhằm bán cho Đàiloan nhiều tỉ đô la vũ khí đã bị đình trệ.”

Thế là ngòi nổ chiến tranh Trung, Đài, ở đó có tính hợp pháp với Mỹ, buộc Mỹ phải đem quân can thiệp ở Châu Á khi binh biến, đã bị người Trung Hoa ở 2 bên eo biển chủ động tháo gỡ. Trong khi đó Trungcông thực hiện chủ trương hòa giải với 2 nước Đông Bắc Á là Nam Hàn và Nhật Bản. Nhật, Trung ngày 16/06/08 đã đạt được một thỏa thuận và đồng ý khai thác các mỏ khí đốt và chia lợi nhuận trong khu vục đang trong vòng tranh chấp tại biển Đông Trunghoa. Trong khi đó thì Trungcộng thiết lập một quân cảng nguyên tử khổng lồ tại cực Nam đảo Hải Nam, có sức chứa tới hàng chục tầu ngầm nguyên tử, để khống chế toàn vùng Đông Nam Á. Khiến Tư Lệnh Thái Bình Dương, Đô Đốc Timthy J. Keating phải lên tiếng báo động, sự tranh giành các tài sản năng lượng trong vùng biển Đông là mới quan ngại. Ông nói với báo Financial Times: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng các nước có thể có lợi ích trong đó, nên hiểu, vùng biển Đông có những luật lệ thành văn và bất thành văn. Các bạn không thễ chỉ ra đó, đấm ngực và tuyên bố, tôi có quyền khai thác mỏ ngay tại chỗ này”. Trong cuộc họp Thượng Đỉnh An Ninh Á Châu mới đây, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Robert Gates cũng chứng tỏ, nước Mỹ không quay lưng lại với an ninh trong vùng.

Trong khuynh hướng Trungcộng bành trướng sức mạnh quân sự về vùng Đông Nam Á, thì Việtnam là nước trực tiếp bị đe dọa, vì thềm lục địa Việtnam có một trữ lượng dầu hỏa rất lớn, mà Trungcộng đang khống chế Việtcộng quá chặt, nên các công ty thăm dò Mỹ và Tây Phương chưa thấy có sự đảm bảo an ninh bền vững, họ chưa vội đưa dầu ra khỏi mỏ. Chừng nào Hoakỳ chưa bảo đảm được an ninh cho các công ty khai thác, thì Việtnam chưa thể là một Quốc Gia Dầu Hỏa trong vùng. Cuộc Mỹ du của Nguyễn Tấn Dũng hiện nay, có đến gặp các ông vua dầu lửa của Mỹ, và các nhà đầu tư Mỹ thì đó cũng chỉ là xã giao. Họ có chịu lập tức đổ vốn vào cứu nguy cho nền kinh tế Việtnam hay không? Còn tùy ở chính phủ Mỹ có bảo đảm được an ninh trước sức ép về quân sự, chính trị của chủ trương “tàm thực” kiểu Trungcộng hay không?. Phải thành thât, can đảm mà nhận rằng: Trong hoàn cảnh Việtnam hiện nay, chỉ có sức mạnh toàn dân, cùng với sự hỗ trợ trực tiếp về an ninh của Mỹ và Thế Giới Dân Chủ, mới hy vọng chận được sức bành trướng của Trungcộng tại Việtnam mà thôi.

* Little Saigon ngày 24-06-2008.

Nếu không có nhận thức TỰ TRỌNG NHÂN PHẨM của mình - TỰ DO DÂN CHỦ của mình - thì cái gọi là "lòng yêu nước, tính dân tộc" chỉ là cảm tính nông nổi và bầy đàn, nếu chưa nói là gian man

Thư Mục