Lý Đại Nguyên

Tưởng niệm lần thứ 34, ngày 30/04, ngày Miền Nam Tự Do bị rơi vào tay Việtcộng. Người Việt Hải Ngoại không một ai quên được nỗi nhớ, niềm đau và những đắng cay, lo sợ, mất mát, tủi nhục mà mình, người thân và đồng bào đã phải chịu đựng. Tuy thời gian có làm nguôi ngoai đi phần nào mối sầu hận đầy máu, nước mắt trong lòng, nhưng mỗi khi nghĩ tới toàn dân vẫn còn bị bọn Việtcộng tham nhũng, ngu si, độc ác cai trị và ngoan ngoãn làm tay sai cho Đế Quốc Đại Hán, cam tâm thực hiện kế hoạch “tàm thực” Việtnam và toàn vùng Đông Nam Á của bọn Bành Trướng Bắc Kinh, thì tim gan như bị lửa đốt. Chính vì vậy mà mùa tưởng niệm Quốc Nạn năm nay lòng người Việt tỵ nạn cộng sản trên toàn Thếgiới đều tập trung vào việc vận động đồng bào trong, ngoài nước đấu tranh đòi Chủ Quyền Dân Tộc và Vẹn Toàn Đất Nước.

Trungcộng chẳng những đã buộc Việtcộng phải ký các văn kiện “nhượng đất” năm 1999, “hiến biển” năm 2000 của Tổ Quốc cho chúng. Lại cưỡng nhận luôn chủ quyền 2 quần đảo Hoàngsa, Trườngsa đã chiếm của Việtnam, để tháng 12/2007 thiết lập ra thành phố Tamsa. Tháng 05/2008, kêu Nông Đức Mạnh sang Bắckinh để ký cam kết hợp tác toàn diện giữa 2 đảng, 2 nước. Tháng 12/ 2008, Trungcộng thực hiện việc khai thác bauxite tại Cao Nguyên. Mặc dù đầu tháng 11/08 một số nhà khoa học và quản lý đã yêu cầu dừng dự án này lại, vì không lợi cho kinh tế, hại cho môi trường, nguy cho an ninh. Nhưng nhóm cầm đầu Việtcộng vì quá sợ quan thầy, nên vẫn để cho Trungcộng đem dân và quân sang trực tiếp khai thác. Dư luận trí thức trong, ngoài nước bùng lên phản đối mãnh liệt. Thế mà Nguyễn Tấn Dũng vẫn nhơn nhơn tuyên bố: “Khai thác bô-xit Tâynguyên là chủ trương lớn của Đảng, được nêu trong nghị quyết Đại Hội Đảng lần thứ X”.

Ngày 29/03/2009, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Xử Lý Viện Tăng Thống, kiêm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, ra Lời Kêu Gọi Đồng Bào trong nước: Tháng Năm Bất Tuân Dân Sự, Biểu Tình Tại Gia, nhằm nói lên mối ưu tư: Bảo Vệ Sinh Thái và Vẹn Toàn Lãnh Thổ. - Đòi nhà cầm quyền Việtnam phải nộp hồ sơ xác nhận thềm lục địa kịp thời hạn 13/05/09. - Phải công bố toàn bộ nội dung 2 hiệp ước về đất và biển đã ký với Trungcộng. – Kêu gọi triệu tập khẩn cấp một Đại Hội Đại Biểu Toàn Dân để thống nhất chận đứng việc khai thác quặng bô-xit Tây Nguyên. Lời kêu gọi này đã được người dân trong, ngoài nước nhiệt liệt hưởng ứng.

Trong nước dù toàn dân sống dưới sự kìm kẹp, xiết chặt thông tin, nhưng một vài tờ báo của đảng vẫn xé rào, viết bài về Hoàngsa, Trườngsa. Ngày 12/04/09, Giới Trí Thức, Văn Nghệ Sĩ và hàng Ngàn người còn nặng lòng với quyền tự quyết Dân Tộc, quyền tự do Con Người, cũng đã minh danh ký tên, gửi Kiến Nghị về Vụ Khai Thác Bauxite ở Tây Nguyên tới giới cầm quyền Hànội, để nói đến thiếu sót toàn diện, và những bất cập về chính trị, quốc phòng, môi trường, kinh tế, kỹ thuật. Rằng: “Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, song thực ra nó đã được ký tắt với người Trungquốc từ nhiều năm trước, mà không hề xin ý kiến của Quốc Hội”. “Người Trungquốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ, để chuyển sang khai thác ở Việtnam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ Việtnam hôm nay và nhiều đời mai sau”. “Kỹ thuật, công nghệ và công nhân khai thác dự định du nhập chủ yếu từ Trungquốc”. Kiến nghị: “1- Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội…”. “2- Dự án bauxite Tây nguyên phải chính thức dừng lại…”. “3- cần được dư luận rộng rãi tham gia và theo dõi”. Dưới chế độ độc đảng, độc tài, toàn trị, mà có được một bản kiến nghị ngược lại chủ trương của nhà cầm quyền cộng sản, với hàng Ngàn chữ ký chính thức công khai như thế này, thì phải coi đây là biến cố quan trọng. Đã buộc Bộ Chính Trị cộng sản Việtnam, ngày 27/04/09 phải điều chỉnh chỉ đạo việc khai thác bauxite Tây Nguyên. Như: “Sử dụng lao động trong nước”. Tạm thời xoa dịu sự công phẫn của dư luận trong, ngoài nước. Còn thực tế, bọn 15 người này có cưỡng nổi với âm mưu “tàm thực” của Trungcộng hay không thì còn phải chờ.

Riêng về biển Đông, thì dù hải quân Trungcộng có dương oai, diệu võ cách mấy cũng không thể qua mặt nổi hạm đội của Mỹ tại Thái Bình Dương. Sự xuất hiện của chiến hạm USS John Stennis đậu ngoài khơi cách bờ biển Việtnam chừng 290 hải lý để đón phái đoàn quân sự cao cấp của Việtnam, ngày 22/04/09. Cùng đi với Đại Sứ Mỹ tại Hànội, ông Michael Michalak, trưởng đoàn Việtnam, đại tá Nguyễn Hữu Vinh tuyên bố: “Đây là bước đi hướng tới quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước”. Nghĩa là lực lượng hải quân Hoakỳ đã chính thức gửi cho Trungcộng một thông điệp “Chúng tôi luôn luôn có măt tại biển Đông để làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho toàn vùng Đông Nam Á”. Có lẽ nhờ thế, mà Ủy Ban Nhân Dân Đànẵng của Việtnam, ngày 25/04/09 mới dám công bố quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ làm chủ tịch huyện đảo Hoàngsa. Ngày 28/04/09, Trungcộng gửi kháng thư tới Hànội quyết liệt phản đối.

Về hồ sơ thềm lục địa Việtnam, ngày 28/04/09, Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên Giới, Bộ Ngoại Giao, Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Việtnam sẽ gấp rút để nộp đăng ký đúng thời hạn. Dự kiến, Việtnam sẽ nộp báo cáo trước thời hạn 1 tuần”. Việtnam đã thỏa thuận với Malaysia viết báo cáo chung lên Liên Hiệp Quốc. Cùng mời Brunei tham dự. Philippine không nêu khu vục chồng lấn với Việtnam trong báo cáo của mình, và cam kết sẽ không phản đối Việtnam. Phần Trungcộng thì phản đối tất cả các nước trong khu vực về báo cáo thềm lục địa, không chỉ riêng Việtnam. Xem vậy Việtnam hoàn toàn đứng chung quyền lợi với các nước trong vùng để chống đỡ với sự bành trướng lãnh hải của Trungcộng.

Tờ báo Kommersant của Nga, dẫn lời của tổng giám đốc công ty đóng tàu Admiralty Shipyards, ở Petersburg là ông Vladimir Aleksandrov rằng, công ty này đã được giao nhiệm vụ đóng cho Việtnam 6 chiếc tàu ngầm Kilo, chạy điện và dầu diesel, trị giá tất cả là 1.8 tỷ USA. Loại tầu này có bí danh là “lỗ đen”, tránh bị phát giác và được xem như loại tàu chạy êm nhất thế giới. Trungcộng hiện có 12 chiếc cùng loại. Ấnđộ đã đồng ý đào tạo quân nhân về tầu ngầm cho Việtnam. Nhậtbản là nước viện trợ kinh tế lớn nhất cho Việtnam. Đương nhiên Hoakỳ vẫn là lực lượng trừ bị khổng lồ đứng đàng sau. Như vậy “Thế Quốc Tế” cho Việtnam đã có. Nhưng nếu không có “Thế Quốc Dân” thì Chủ Quyền Dân Tộc và Vẹn Toàn Đất Nước vẫn còn mong manh. Bởi vậy toàn dân, trong, ngoài nước phải tiếp tục tranh đòi Dân Chủ Hóa đất nước, thì dân tộc Việtnam mới có thế chủ động gia nhập tiến trình Toàn Cầu Hóa được.

  • Little Saigon ngày 28-04-2009.


Nếu không có nhận thức TỰ TRỌNG NHÂN PHẨM của mình - TỰ DO DÂN CHỦ của mình - thì cái gọi là "lòng yêu nước, tính dân tộc" chỉ là cảm tính nông nổi và bầy đàn, nếu chưa nói là gian man

Thư Mục