Lý Đại Nguyên

Trước thảm cảnh thiên tai vừa mới xẩy ra ở Miến Điện, hầu như khắp các nước trên thế giới đều thực tâm muốn giúp cho nạn nhân ở đó, mau chóng vượt qua giai đoạn cực kỳ nguy hiểm: Cứu sinh mạng, cứu đói khổ, trị dịch bệnh, lập nơi tạm trú… Nhưng nhà cầm quyền quân phiệt, độc tài, tham nhũng của Miến Điện đã tàn nhẫn khước từ, chỉ nhận đồ cứu trợ, mà không cho các chuyên gia, thiện nguyện viên ngoại quốc vào giúp đỡ, khiến cho những người không đáng chết, phải chết oan. Ở đây thấy rõ một điều là chế độ độc tài không bao giờ biết thương dân, lo cho dân, mà chỉ sợ mất quyền hành. Tệ nhất là chúng coi thiên tai là cơ hội để chúng ăn chặn đồ cứu trợ của những nhà hảo tâm, và viện trợ của quốc tế. Liền sau đó là vụ động đất lớn tại Trung Hoa, tuy nhà cầm quyền Trungcộng vốn độc tài, nhưng đã mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài, nên đã dễ dàng đón nhận sự trợ giúp từ nước ngoài. Như vậy, cho thấy, thiên tai xẩy ra bất cứ nơi nào trên địa cầu thì cũng là mối lo chung của nhân loại, các nước đều có nghĩa vụ thiêng liêng phải giải quyết. Chỉ có những chế độ độc tài cực đoan, tự cô lập mới để mặc cho dân chết, không nhận sự trợ giúp và không chịu giúp các nước khác khi bị thiên tai.

Do đó, vấn đề Dân Chủ Hóa chể độ ở mỗi quốc gia hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới. Khi đặt vấn đề Dân Chủ Hóa Chế Độ, là đặt bổn phận trách nhiệm cho Nhà Đương Quyền phải thay đổi luật lệ từ độc tài chuyên chế đảng trị, hay độc tài cá nhân trị, gia tộc trị sang các luật lệ tự do dân chủ, để cho người dân có thực quyền: Tự Do Tư Hữu, cả về hai mặt tinh thần và tài sản. Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Lập Hội và Tự Do Lựa Chọn. Từ đó tạo ra một Xã Hội Đa Nguyên Tự Do, một nền Kinh Tế Thị Trường Tự Do, một thể chế Chính Trị Dân Chủ Tự Do, được Điều Hợp theo Hiến Pháp Dân Chủ, với một hệ thống luật pháp minh bạch trong sáng tôn trọng Nhân Quyền, và được Điều Hành bởi những người do toàn dân lựa chọn. Việc đó, vừa mới được một vương quốc Bhutan nhỏ bé, nằm sâu trong dẫy Hy Mã Lạp Sơn thực hiện hết sức ngoạn mục. Quốc vương Jigme Singye Wangchuk, trước khi truyền ngôi cho con là vua Jigme Khesar Namgyal Vangchuk, Ngài đã trao hầu hết quyền hành pháp cho một Nội Các, và cho Quốc Hội được quyền đàn hạch Nhà Vua. Từ đó nước Bhutan bước vào sinh hoạt chính trị tự do đa đảng và phát triển kinh tế dựa trên phúc lợi của dân – Gross National Happiness - là chủ trương đổi mới của Thái Thượng Hoàng, và có sự đóng góp của ông Jigmi Thinley. Rồi với một cuộc bầu cử Dân Chủ trong sạch, đảng đối lập của ông Jigmi Thinley đại thắng. Quốc vương vẫn là Tổng Tư Lệnh quân đội và được chỉ định 5 vị trong Thượng Viện. Bhutan từ một nước Phong Kiến lạc hậu buớc vào chế độ Dân Chủ trong sáng là nhờ công của những nhà Lãnh Đạo biết nhìn xa trông rộng, luôn luôn đặt quyền lợi của dân lên trên quyền vị cá nhân mình, nên được người dân muôn đời kính trọng, biết ơn, thế giới ngưỡng mộ, mà uy quyền hiện nay vẫn không mất.

Nhìn về Việtnam, thấy mà buồn, nhà cầm quyền Việtcộng hiện nay, thà mất dân, mất nước, mất chủ quyền vào tay ngoại bang, chứ không chịu sớm Dân Chủ Hóa chế độ, để trao quyền lại cho toàn dân, để dân làm chủ nước, nước có chủ quyền thực sự, để chủ động gia nhập tiến trình toàn cầu hóa với sự tôn trọng của cả thế giới. Thực sự thì cái gọi là chủ nghĩa cộng sản, hay xã hội chủ nghĩa, nó đã bị biến thái thành thứ “Tư Bản Man Rợ,” ngay từ khi Việtcộng buộc phải mở cửa chạy theo Kinh Tế Thị Trường, nhận vốn đầu tư và làm ăn với ngọai quốc. Nó man rợ, vì đảng vừa độc quyền chính trị tham nhũng, vừa tạo ra các công ty quốc doanh, dùng vốn của quốc dân, độc quyền làm kinh tế, thu lợi vào tay đảng, chia lợi nhuận cho nhau theo ngôi thứ quyền lực, biến các lãnh tụ đảng thành các tay tài phiệt khổng lồ. Rồi hợp thức hóa những tài sản đen tối đó dưới chiêu bài cho đảng viên là kinh tế Tư Doanh. Nghĩa là đảng mặc nhiên công nhận quyền Tư Hữu của đảng viên, nhưng toàn dân vẫn bị nằm trong Cơ Chế Công Hữu do nhà nước quản lý. Do đó, kẻ có quyền thế mới tha hồ nhân danh luật lệ công hữu để chiếm đoạt đất đai, tài sản của dân làm của riêng. Cảnh Dân Oan khiếu kiện tràn ngập khắp nơi, mà không có lối giải quyết là vì thế.

Khi đảng đã cho đảng viên làm kinh tế tư doanh, thì sớm muộn gì nhà nước Việtcộng cũng phải ban hành đạo luật công nhận quyền Tư Hữu của mỗi công dân, thế mới hợp pháp hóa được tài sản tư hữu bẩn thỉu của đảng viên. Đây cũng là cái gốc của nền Kinh Tế Thị Trường thực sự, chứ không thể lấp liếm trong khẩu hiệu “Kinh Tế Thị Trường theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” được mãi, khi đảng viên đã từ bỏ chủ nghĩa xả hội chết tiệt rồi. Như vậy, vì quyền lợi thiết thân của Việtcộng, vì nhu cầu của thị trường, vì đòi hỏi của quốc tế, nền Kinh Tế Thị Trường Tự Do cũng đã và đang thành hình tại Việtnam không thể cưỡng lại. Mà Kinh Tế Thị Trường Tự Do tất nhiên sẽ kéo theo Xã Hội Đa Nguyên Tự Do. Bởi vậy Việtcộng mới tìm mọi cách tránh né, không chịu cho ra đời những đạo luật công nhận sự hình thành và sinh họat tự do của các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự. Mặc dầu chúng đã ký vào các Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị 1966. Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa 1966. Ngay trong lời mở đầu của 2 công ước căn bản này đã ghi: “Xét rằng, nghĩa vụ của quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và quyền tự do của con người.”

Ấy thế mà Việtcộng đã nhân danh Việtnam để gia nhập LHQ, ký vào các Công Ước Quốc Tế, làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An, và triển vọng trở thành Chủ Tịch Đại Hội Đồng LHQ, mà vẫn không tôn trọng Nhân Quyền của dân mình. Vẫn không ban hành các đạo luật thành lập và sinh hoạt cho các tổ chức Xã Hội Dân Sự, mà lại cho ra đời những luật lệ phản động như “Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo” bắt các Tôn Giáo muốn được sinh hoạt công khai phải đặt dưới sự quản trị của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng Việtcộng. Theo nhận định của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ thì chính quyền Việtnam “đã đặt ra những luật lệ, nhằm giới hạn hoạt động của các tôn giáo.” Tất cả các cơ quan Truyền Thông Báo Chí đều là của đảng. Do đảng viên trực tiếp điều hành. Chính vì vậy mà bọn tham nhũng có quyền thể tha hồ lộng hành. Một thể chế Dân Chủ thực sự không thể thiếu được một nền Truyền Thông Báo Chí Tư Nhân Tự Do. Đối với thực trạng Việtnam hiện nay thì Lộ Đồ Dân Chủ Hóa phải bắt đầu bằng việc hủy bỏ những đạo luật khống chế Tôn Giáo, độc quyền Truyền Thông. Ban hành các luật lệ Tự Do Tư Hữu về tư tưởng và tài sản của mỗi công dân. Ban hành các luật lệ về quyền tự do dân sự và chính trị, để cho các tập thể Xã Hội Dân Sự, các Chính Đảng công khai sinh hoạt, thúc đẩy tiến trình Dân Chủ Hoá Chế Độ, đi từ thay đổi Hiến Pháp độc tài sang dân chủ, và các luật lệ từ khống chế, khủng bố sang bảo vệ nhân quyền, để người dân thực hiện quyền tự do phát biểu ý kiến và tự do lựa chọn những đại biểu của mình trong các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp của Quốc Gia, và các chính quyền địa phương, nhất là cần thực hiện một nền Dân Chủ Trực Tiếp tại Làng Xã vốn là cơ sở hành chánh gốc của Truyền Thống Dân Chủ Dân Tộc.

Little Saigon ngày 20-05-2008.

Lý Đại Nguyên

Việc nhà báo Nguyễn Văn Hải sinh năm 1975 của tờ Tuổi Trẻ và phóng viên Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952 của báo Thanh Niên, bị cơ quan An Ninh điều tra Bộ Công An khởi tố bắt giam chiều 12/05/2008 vì tội đưa tin về vụ tham nhũng PMU18. Rồi tới phiên cựu thiếu tướng Phạm Xuân Quắc sinh năm 1946, nguyên cục trưởng Cảnh Sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - C14, từng cầm đầu điều tra truy tố vụ án tham nhũng PMU18, cùng Đinh Văn Huynh sinh năm 1958 nguyên trưởng phòng 9, cục C14 vừa bị cơ quan An Ninh bộ Công An khởi tố, điều tra tội lợi dụng chức quyền trong khi thi hành công vụ. Vào ngày 25/03/08, cựu thứ trưởng bộ Giao Thông Vận Tải, Nguyển Việt Tiến, trong vụ án tham nhũng PMU18, sau 2 năm điều tra đã được phó viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao Việtcộng, Hoàng Nghĩa Mai tuyên bố là cơ quan công tố đình chỉ điều tra hai tội danh đã khởi tố, miễn trách nhiệm hình sự với tội danh còn lại và đề nghị khôi phục quyền lợi chức vụ cho Nguyễn Việt Tiến.

Diễn tiến của vụ án Nguyễn Việt Tiến; Tháng 4-2006, Tiến bị bắt và truy tố về vụ án tham nhũng PMU18. Tháng 7- 2006, một thiếu tướng công an bị ngưng chức trưởng cơ quan Cảnh Sát Điều Tra, vì tình nghi liên quan tới đường dây chạy án vụ PMU18. Mười tháng sau viên tướng này được tuyên bố vô can. Tháng 8-2006, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao gia hạn tạm giam Nguyễn Việt Tiến kéo dài 4 tháng. Tháng 11-2006, gia hạn lần thứ 2 kéo dài đến tháng 4-2007. Tháng 4-2007 thêm tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, hình phạt có thể từ 3 tới 12 năm tù. Tháng 10-2007, được tại ngoại hầu tra. Trong giai đoạn này Bộ Công An khẳng định đủ căn cứ truy tố Nguyễn Việt Tiến. Nhưng bỗng đánh đùng một cái, ngày 25-03-2008, Nguyễn Việt Tiến được nhìn nhận vô tội. Theo Hoàng Nghĩa Mai đề cập trong bản tin Báo Pháp Luật khi đưa ra quyết định rằng: “Rõ ràng thời điểm ấy -2006- ở Bộ Giao Thông Vận Tải, Nguyễn Việt Tiến đang là ngôi sao sáng. Và nếu con đường phát triển thuận lợi thì Nguyễn Việt Tiến không phải là Nguyễn Việt Tiến bây giờ, mà phải là một cái gì khác hơn nữa. Trong bối cảnh như vậy, chắc là cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra với ông Tìến vừa có cả vấn đề pháp lý, vừa có cả vấn đề dư luận”. “…vào thời điểm ấy, các vụ đánh bạc lên đến cả triệu rưỡi đô la của Bùi Tiến Dũng, những đường giây chạy án và hàng loạt vấn đề bùng nhùng, khiến cho dư luận nhìn vào chỗ ấy là đen tối”.

Ở điểm này, Việtcộng đã đổ lỗi cho làng báo của chúng gây ra, cho nên hai phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến mới bị lôi ra hành tội. Nhưng báo giới Việtnam đều nằm trong tay đảng, không có lệnh đảng thì nhử kẹo, phóng viên, và nhà báo cũng không dám khai thác vụ Nguyễn Việt Tiến. Chính vì vậy mà lên án 2 ký giả là thiếu trách nhiệm nghề nghiệp, tiết lộ nguồn cung cấp thông tin là không đúng trong hoàn cảnh báo chí Việtcộng. Họ đâu có quyền tự do chủ động bới móc Nguyễn Việt Tiến, mà phải có lệnh từ giới chức thẩm quyền. Do đó cựu thiếu tướng Cục Trưởng Cảnh Sát Điểu Tra, và nguyên Trưởng Phòng 9 cục C 14, mới bị 2 nhà báo khai ra là người cung cấp thông tin. Nhưng hai viên chức cảnh sát này cũng không dám tự chuyên, nếu không được lệnh từ cấp cao hơn. Vì Nguyễn Việt Tiến lúc đó là một ngôi sao sáng đang lên, vốn là người thân của TBT Nông Đức Mạnh, có tên trong danh sách đề nghị làm Ủy viên Trung Ương khóa X. Trong cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trước Đại Hội Đảng, Nguyễn Việt Tiến bị làm vật tế thần là điều dễ hiểu.

Sau Đại Hội X và tới Hội Nghị lần thứ 3 của Ban Chấp Hành Trung Ương cộng đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí và việc thành lập Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Tham Nhũng, gồm cả Đảng, Nhà Nuớc và các cơ quan liên hệ, do Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thủ Tướng, Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng, Trương Vĩnh Trọng đứng phó, Có một lúc những hoạt động chống tham nhũng là công tác hàng đầu của Nội Các Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng việc chống tham nhũng đồng nghĩa với chống đảng. vì đảng cộng sản, và cơ chế cầm quyền do đảng tạo ra, nó là một hệ thống tham nhũng khổng lồ. Diệt tham nhũng là diệt đảng, và diệt ngay quyền lợi của kẻ cầm quyền. Thế là cộng đảng đã đẩy Nguyễn Tấn Dũng và nhóm được gọi là “đổi mới” vào tử địa. Muốn tồn tại thì phải quay lại thuần phục phe “thủ cựu” được Trungcộng hậu thuẫn.

Nhóm thủ cựu thân Trungcộng, cầm đầu bởi 2 tên MA già là Đỗ Mười và Lê Đức Anh, tuy trên danh nghĩa không còn quyền hành gì trong đảng và nhà nước, nhưng lại là một thế lực được Trungcộng hỗ trợ trực tiếp, nhờ thế đã tạo ra được các tay em rất trung thành là Nông Đức Mạnh đang nắm chức Tổng Bí Thư Đảng vốn có quyền hành cao nhất. Kế đến là Nguyễn Phú Trọng, ủy viên BCT, chủ tịch Quốc Hội. Nguyễn Sinh Hùng, ủy viên BCT, phó thủ tướng thường trực. Hồ Việt Đức, ủy viên BCT, trưởng ban tổ chức trung ương. Tô Huy Rứa, ủy viên trung ương, trưởng ban tuyên giáo. Những kẻ này thường xuyên chăm chỉ đi Bắc Kinh để nhận chỉ thị của Trungcộng. Kẻ có quyền lực nhất trong bộ Công An là Nguyễn Khánh Toàn, ủy viên trung ương, thứ trưởng thường trực Bộ Công An, phó bí thư đảng ủy ngành Công An, vợ của y từng hợp tác mật thiết với vợ của cựu Ủy Viên BCT, trưởng ban tổ chức đảng, Trần Đình Hoan để thăng chức cho các tướng, tá ngành công an. Chính nhờ vậy mà Trương Hòa Bình một kẻ chẳng ra gì mới lên tới chức thứ trưởng công an, coi ngành cảnh sát toàn quốc, cuối cùng được Nguyễn Khánh Toàn vận động cho làm chức Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Thế mới có việc xóa án tham nhũng cho Nguyễn Việt Tiến, người của nhóm MA, đầy tớ Trungcộng, một cách nhẹ nhàng, để rồi phản kích lại những người chống tham nhũng.

Việc Việtcộng lệ thuộc Trungcộng, đã bắt đầu ngay từ năm 1930, khi Hồ Chí Minh nhận lệnh Quốc Tế Cộng Sản để thành lập đãng Cộng Sản Đông Dương tại Hoa Nam. Cụ thể là chính Hồ Chí Minh đã tuyên thệ gia nhập đảng Cộng Sản Trung Hoa tại căn cứ Diên An. Đến năm 1950, Stalin buộc Hồ Chí Minh phải nghe lệnh Mao Trạch Đông thực hiện cuộc cải cách ruộng đất. Chỉ đến sau năm 1975, Việtcộng chiếm được toàn cõi Việtnam, Lê Duẩn theo Liên Xô chống Trungcộng thì việc thống thuộc Trungcộng mới bị gián đoạn. Nhưng khi Liên Xô sụp đổ thì Trungcộng đã đưa tay ra nắm lấy Việtcộng. Cuộc gặp mặt giữa Đặng Tìểu Bình, Giang Trạch Dân, Lý Bằng với Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười vào ngày 03/09/1990 tại Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa đã nối lại quan hệ thầy trò giữa Trungcộng với Việtcộng. Đỗ Mười là kẻ đại diện trung thành cho tinh thần thuộc Tầu đến hôm nay. Còn Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh, và Việtcộng còn thờ thần tượng Hồ Chí Minh thì Trungcộng vẫn còn là thầy của Việtcộng, và Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi sự khống chế của Trungcộng, dù cho Hoakỳ có trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Việtnam cũng vậy. Không biết người Việt ta có cảm thấy nhục không? Khi hàng ngàn thanh niên Trung Hoa cầm cờ đỏ 5 sao vàng của Trungcộng nhảy múa, hò hát, ngang tàng giữa lòng Sàigòn, như trên đất của họ, trong cuộc rước đuốc Thế Vận Bắc Kinh vừa qua.

Little Saigon ngày 13-05-2008.

Nếu không có nhận thức TỰ TRỌNG NHÂN PHẨM của mình - TỰ DO DÂN CHỦ của mình - thì cái gọi là "lòng yêu nước, tính dân tộc" chỉ là cảm tính nông nổi và bầy đàn, nếu chưa nói là gian man

Thư Mục