Lý Đại Nguyên

Thế Vận Hội là dịp để cho nước đứng ra tổ chức có cơ hội chứng tỏ với thế giới là mình đã là nước phát triển hùng mạnh, trong an ninh hòa bình, và được nhiều nước nể trọng. Bởi vậy Trungcộng đã ra sức chuẩn bị cho Olympic Bắc Kinh ngay từ thập niên 1990. Họ long trọng hứa với Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế rằng: “Việc tổ chức thế vận hội sẽ giúp cho Trung quốc hòa nhập với thế giới và có điều kiện cởi mở trong nước”. Mãi đến năm 2001, Trungcộng mới được Ủy Ban Thế Vận chấp thuận cho tổ chức vào năm 2008. Từ đó TrungCộng đều dồn mọi nỗ lực người và của vào việc tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh. Về hình thức thì đây phải được kể là một quy mô mang tầm vóc thế kỷ, nhưng về nội dung nó đã bị chính trị hóa.

Theo anh Lê Minh Phiếu, một trong số người được chọn cầm đuốc rước tại Saigon viết cho Bá Tước Jacques Rogge, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận, nguyên văn: “ Thưa Ngài, khi được biết tôi đã được chọn để cầm ngọn đuốc Olympic - biểu tượng cho tinh thần thượng võ, cho hòa bình và đoàn kết các dân tộc trên thế giới - lần đầu tiên qua Việtnam, tôi rất mừng và tự hào. Thế nhưng, sau khi xem kỹ các bản đồ rước đuốc trên trang web chính thức của Olympic 2008, tôi nhận thấy rằng ngọn đuốc mà tôi sẽ rước không còn là ngọn đuốc của một Olympic trong sáng, mà đã bị chính trị hóa bởi ban tổ chức Olympic Băc Kinh 2008”

Trung quốc càng ngày càng có nhiều biện pháp để chứng tỏ rằng, họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa - một quần đảo mà họ đã xâm lược của Việtnam từ năm 1974”… “

Trên bản đồ rước đuốc Olympic và bản đồ rước đuốc Paralympic, quần đảo Hoàng Sa được cố tình thể hiện như một phần lãnh thổ của Trung quốc”
.

Lê Minh Phiếu đã chính thức từ bỏ vai trò rước đuốc này.

Thế Vận Hội lần đầu tiên diễn ra tại thành phố Olympia, Hy Lạp năm 776 trước Tây Lịch, cứ 4 năm một lần, đến năm 393 Tây Lịch thì chấm dứt. Năm 1894, ông Pierre, một nhà quý tộc Pháp làm sống lại. Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế - International Olympic Committee - được thành lập và Thế Vận Hội đầu tiên được khai mạc tại Athens, thủ đô Hy Lạp năm 1896. Đại Chiến Thế Giới lần Thứ Nhất và Thứ Hai bị gián đoạn 3 kỳ vào năm 1916,1940 và 1944. Kể từ năm Thế Vận Hội London 1908, vì nước Anh không cho Ireland độc lập, nên các vận động viên của họ đã tẩy chay. Các vụ phản đối, tẩy chay tuy không toàn diện triệt để, mà hầu như đã trở thành truyền thống trong các kỳ Thế Vận Hội trước tới giờ. Chỉ có Thế Vận Hội Sydney 2000, được nhận là Olympic tốt nhất từ xưa nay. Olympic Athens 2004 cũng êm đẹp, mà tốn phí quá lớn. Nhưng tới Olympic Bắc Kinh 2008 này đã trở thành cơ hội cho Nhân Loại khảo đả Trungcộng về những chính sách phi nhân đối với dân chúng của họ, cũng như các dân tộc đã bị họ thôn tính và bành trướng đối với các nước nhỏ chung quanh.

Chỉ một năm sau ngày Trungcộng cướp được Hoa Lục, 1950, Mao Trạch Đông đã thực hiện cuộc chiếm đóng Tây Tạng. Năm 1959, người dân Tây Tạng vùng lên chống đối đòi chủ quyền, bị Trungcộng dìm trong biển máu. Đức Dalai Lama, nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị của Tây Tạng phải lưu vong sang Ấnđộ. Ngày 10/03/08, người Tây Tạng lưu vong phát động ngày về lại Tây Tạng. Tuy đoàn người hải ngoại bị chặn lại, nhưng giới tu sĩ bên trong, thuộc tu viện Drepung đã diễn hành tiến vào trung tâm thủ đô Lhasa. Cảnh sát Trungcộng bắt giữ 15 vị. Dân chúng bức xúc xuống đường. Ngày 11/03/08, tu sĩ thuộc viện Sera biểu tình cũng bị hành hung. Ngày 14/03/08, đã bùng nổ thành một cuộc bạo động lớn. Nhà cầm quyển Trungcộng ra lệnh cho du khách và ký giả ngoại quốc phải ra khỏi Lhasa trước khi dùng xe tăng, quân đội, cảnh sát xuống tay đàn áp tàn bạo.

Trungcộng lên án đức Dalai Lama đứng đàng sau cuộc nổi dậy đòi Độc Lập và phá Thế Vận Hội Bắc Kinh. Nhưng Ngài đã nhiều lần xác định lập trường là chỉ dùng phương pháp bất bạo động, đòi cho Tây Tạng được Tự Trị rộng rãi và không chống lại Thế Vận Hội Bắc Kinh. Hầu như tất cả thế giới dân chủ đều ủng hộ lập trường hòa bình của đức Dalai Lama. Nhưng dân Tây Tạng và những người có lòng, các nước cảm thông hoàn cảnh bị trị của dân tộc Tây Tạng, thì coi dịp Trungcộng tổ chức Olympic Bắc Kinh là cơ hội để buộc Trungcộng phải đối thoại trực tiếp với đức Dalai Lama về nền Tự Trị của Tây Tạng. Đồng thời buộc chính phủ Trungcộng phải mở rộng tự do cho người dân Trung Hoa và từ bỏ tham vọng bành trướng đối với các nước lân bang. Vì cả thế giới đểu rõ, Trungcộng đã nuốt trửng 2 dân tộc Tây Tạng và Uighur tại Tân Cương. Đang khống chế bọn Quân Phiệt Myanmar. Đang tàm thực tại Lào và Campuchia. Đang thao túng Việtcộng để lấn chiếm từ từ Việtnam, nhằm làm bá chủ toàn vùng Đông Nam Á. Trong khi đó, mối lo nội tại của Trungcộng, cái cớ để cho quân lực Hoakỳ danh chính, ngôn thuận bảo vệ an ninh vùng Biển Đông là Đài Loan, thì đang tự xuống thang xung đột, không còn đòi độc lập, chẳng nói tới tự trị, vẫn giữ nguyên trạng, để 2 bên hợp tác làm ăn phát triển giữa người Hoa với nhau. Mặc dù Hoakỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang hình thành thế Liên Minh Chiến Lược, nhưng không thể đối phó hữu hiệu với chính sách bành trướng tàm thực êm đềm, có sự tiếp tay của các chính quyền độc tài tay sai của Trungcộng, như trường hợp của bọn Việt Cộng, Lào Cộng, Miến Phiệt hiện nay.

Chính vì mối họa “Phi Nhân, Bành Trướng” của Trungcộng, nên người dân thế giới mặc nhiên hợp tác với dân lưu vong Tây Tạng đã tồ chức những cuộc biểu tình chống lại lễ rước đuốc Thế Vận vòng quanh thế giới. Mở đầu cuộc chống đối từ Anh quốc sang tới Pháp. Tại Paris, ban tổ chức đã phải hủy bỏ chặng sau cùng của cuộc rước đuốc, ngọn đuốc đã phải tắt đi đến 5 lần để đưa lên xe trốn chạy, khỏi bị người biểu tình giật mất. Ngày mai 09/04/08, ngọn đuốc Thế Vận đến San Francisco với nhiều hứa hẹn sôi nổi. Vì ở đây nhiều ngàn người đủ mọi sắc dân và bản xứ, đang tiềm phục để bày tỏ thái độ phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh đàn áp dân tộc Tây Tạng, tước đoạt quyền tự do của người dân Trung Hoa và âm mưu bành trướng ra các nước lân bang, mà luật pháp của Mỹ lại triệt để tôn trọng quyền biểu tình của người dân. Ủy Ban Thế Vận dự định sẽ chấm dứt cuộc rước đuốc này. Trong khi đó nhiều lãnh tụ chính phủ Âu Châu tỏ dấu không muốn tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh. Chủ tịch Hạ Viện Hoakỳ, bà Nancy Pelosi, ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ- nữ nghị sĩ Hillary Clinton và nhiều chính khách Mỹ đã kêu gọi tổng thống Bush hãy tránh việc tham dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục không đưa ra các thay đổi quan trọng. Nhưng TT Bush vẫn coi đây là cơ hội đối thoại trực tiếp với Hồ Cẩm Đào lãnh tụ Trungcộng về các vấn đề mà Mỹ quan tâm. Dù sao thì áp lực quốc tế đang trực tiếp đè nặng lên Trungcộng trong dịp này.

Little Saigon ngày 08/04/2008.

Nếu không có nhận thức TỰ TRỌNG NHÂN PHẨM của mình - TỰ DO DÂN CHỦ của mình - thì cái gọi là "lòng yêu nước, tính dân tộc" chỉ là cảm tính nông nổi và bầy đàn, nếu chưa nói là gian man

Thư Mục