Lý Đại Nguyên
Với những người thực hành Bồ Tát Đạo, như các thầy Huyền Quang, Quảng Độ, thì việc các nước, các tổ chức quốc tế vinh danh, hay trao những giải thưởng cao quý, như giải Rafto cho Ngài Quảng Độ, ngày 21/09/06, thì không tăng, cũng không giảm đức độ uy tín nơi quý ngài. Nhưng đối với công cuộc vận động tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ hóa Việtnam lại là một sự kiện đầy ý nghĩa. Nhất là Na Uy một trong những nước Bắc Âu, ở cuộc chiến Nam Bắc trước đây, thường có khuynh hướng ủng hộ cộng sản Bắc Việt. Nay trong lời công bố trao giải Nhân Quyền Quốc Tế Rafto cho HT Thích Quảng Độ đã đưa ra nhận định về thực trạng Việt Nam: “Kinh tế được tự do mở rộng, nhưng đất nước vẫn sống dưới chế độ độc đoán. Nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng chính kiến, hay phê phán thông qua cơ quan truyền thông, đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo, hoặc các công đoàn, mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết Công Ước Quốc Tế về các quyền Dân Sự và Chính Trị”
Chính vì vậy mà Sáng Hội Rafto đã chọn trao giải Nhân Quyền Quốc Tế cho HT Thích Quảng Độ của Việt Nam, với lời công bố: “Hội Đồng Chỉ Đạo quỹ tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải Tưởng Niệm Giáo Sư Thorolf Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ Dân Chủ, Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền. Hòa Thượng Quảng Độ đoạt giải này, vì suốt 30 năm qua, Hòa Thượng đã dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào Dân Chủ đang bùng lên trên toàn quốc”… “Hòa Thượng Quảng Độ một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp nơi quê hương Ngài. Là một tăng sĩ Phật Giáo, học giả và nhà văn, Hòa Thượng đem cả cuộc đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến, cũng như tiếp nối truyền thống Phật Giáo Bất Bạo Động, khoan dung và từ bi”… “Qua cuộc tặng thưởng hôm nay, Quỹ Rafto mong ước nói lên sự hỗ trợ tất cả những người Việt Nam đang đấu tranh để chuyển hóa ôn hòa sang nền Dân Chủ. Kể từ tháng Tư vừa qua, trên Hai Ngàn công dân đã ký tên vào bản kiến nghị “Kêu gọi cho quyền Tự Do Lập Đảng” và “Tuyên Ngôn cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam”… “Những kiến nghị này được ký tên trên bình diện rộng rãi, đến từ các Linh Mục Công Giáo, các Tăng Sĩ Phật Giáo, cựu tù nhân chính trị, cựu viên chức Cộng Sản, cựu đảng viên, giáo sư đại học, giáo viên, y tá, kỹ sư, nhà văn, nhà kinh doanh và nhiều thường dân khác. Ở Việt Nam, riêng sự kiện ký tên vào tài liệu như thế là đã chuốc vào thân sự sách nhiễu, bị bắt bớ và nhiều khi bị cầm tù”.
Sáng Hội Rafto quả đã có nhận định chính xác về thực trạng của những người đang tranh đòi Tự Do Dân Chủ tại Việt Nam, nhưng họ vẫn không sao ngờ được phản ứng về việc trao giải Nhân Quyền cho Hòa Thượng Quảng Độ của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại quá thấp kém đến độ, lập tức cử ngay Thứ Trưởng Thường Trực Công An, thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, người đang nắm thực quyền trong hệ thống công an trị của cộng đảng, đến Tu Viện Nguyên Thiều vấn an Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang với mục đích khuyên Ngài nghỉ hưu, và rằng : “Nếu Hòa Thượng Thich Quảng Độ có ra thăm, thì Ngài cũng không nên bàn chuyện Giáo Hội”. Sau lời từ hòa cảm ơn về sự thăm viếng của tướng Nguyễn Khánh Toàn, Đức Tăng Thống, trịnh trọng tuyên bố: “Chí nguyện suốt đời tôi là phục vụ dân tộc, phục vụ đạo pháp, phục vụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho đến hơi thở cuối cùng. Không ai có thể ngăn cản tôi và Hòa Thượng Thích Quảng Độ bàn chuyện Phật sự của Giáo Hội”. Thế là chủ trương chia rẽ giữa 2 vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội dân lập này của cộng sản một lần nữa bị thảm bại.
Thảm bại nặng nề cho chủ trương khống chế tôn giáo của cộng đảng Việt Nam là ngày 08/09/06, tại Huế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố Thư Mục Vụ Năm 2006 “Sống Đạo Hôm Nay”. Lần đầu tiên kể từ 1975 đến nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới chính thức công khai đưa ra nhận định về tình trạng Việt Nam rằng: “Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang bước vào tiến trình toàn cầu hóa, vốn đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho cả đạo lẫn đời”… “Con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của hoàn cảnh xã hội. Nếu hoàn cảnh xã hội nhào nặn ra những con người, thì con người mới cũng sẽ dần dần tác động làm nên những hòan cảnh mới”… “Để xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người cũng cần có một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện quyền này. Công việc đòi hỏi đóng góp từ nhiều phía”. Kết luận: “Sống trong đất nước có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người
mới”.
Tuy cả ý và lời của Thư Mục Vụ nhẹ nhàng, nhưng đã đề cập tới việc phải tôn trọng những quyền căn bản của con người và cần một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện quyền này. Như vậy có nghĩa là Hội Đồng Giam Mục Việt Nam đã mặc nhiên đồng thuận với Lm Nguyễn Văn Lý, các Linh Mục và những Kitô Hữu đã ký tên trong khối 8406. Đòi hỏi nhà nước Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và thay dổi cơ chế nhằm Dân Chủ Hóa chế độ. Đồng thời đây là thực hiện hiến chế của Công Đồng Vaticanô II 1962, và Tông Huấn của cố Giáo Hoàng John Paul II, 2002, gởi cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải giữ tư thế độc lập với thế lực cầm quyền. Khác xa với thái độ ngoảnh mặt đi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước lời kêu gọi: “Tự Do Tôn Giáo Hay Là Chết” của Lm Nguyễn Văn Lý trước kia. Để rồi cộng sản không cho ông chết, mà chỉ bỏ tù.
Của đáng tội, khi đó khuynh hướng thiết lập bang giao giữa Vatican và Hànội đang tiến triển khả quan, nên hành động quyết liệt của Lm Lý bị trật khớp, dẫn tới tình trạng phân hóa quyết liệt nơi cộng đồng Kitô Giáo trong và ngoài nước. Nhưng các bậc thượng trí trong Giáo Hội đã nhận ra rằng: Nếu Giáo Hội Hoàn Vũ có thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền Hànội, thì số phận của Giáo Dân và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn phải nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc và dưới quy chế “xin cho”. Điều tệ hại hơn nữa Giáo Hội tự biến Giáo Dân mình thành kẻ lạ mặt giữa cộng đồng dân tộc đang là nạn nhân của cộng sản, đang quyết liệt tranh đòi tự do dân chủ cho toàn dân. Như vậy, làm sao hoàn thành được lý tưởng đem đạo vào đời. Nhưng với Thư Mục Vụ 2006, chắc các bạn Kitô Hữu đã thở ra nhẹ nhõm, là đã tìm lại đươc chính mình, tìm thấy được anh em đồng bào, đồng đội trong cộng đồng dân tộc, đang tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam.
Little
Little Saigon 26-09-2006.
NA UY TRAO GIẢI NHÂN QUYỀN CHO HT QUẢNG ĐỘ VIỆT NAM
Posted by
Lien Mang Viet San
Monday, October 02, 2006
0 Responses to NA UY TRAO GIẢI NHÂN QUYỀN CHO HT QUẢNG ĐỘ VIỆT NAM