Lý Đại Nguyên

Không riêng Hàn Cộng, mà còn nhiều nước lớn nhỏ trên thế giới cũng đều nuôi tham vọng trở thành cường quốc nguyên tử. Nên thế giới, nhất là Hoa Kỳ từ lâu nay đã đưa ra chủ trương ngăn cấm phổ biến võ khí hạt nhân, để khỏi lọt vào tay các nước hung đồ khủng bố, hay rơi vào tay các nước còn hận thù nhau, nhằm tránh một cuộc chiến nguyên tử không kiểm soát nổi. Tuy vậy ngoài các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Tầu là những cường quốc nguyên tử đã thủ đắc thứ vũ khí khủng khiếp này trong thời chiến tranh lạnh, Pakistan, Ấn Độ là 2 nước mới đây đã chính thức công khai sản xuất thứ vũ khí quái ác này, và mặc nhiên được công nhận là 2 quốc gia nguyên tử. Riêng Do Thái thì vẫn nằm trong danh sách nghi vấn là có vũ khí nguyên tử. Nay đến Hàn Cộng, vào đúng 10giờ30 sáng 09/10/2006 đã cho nổ thử một quả bom nguyên tử đầu tiên, để trở thành nước thứ 9 có thứ vũ khí nguy hiểm này. Đây là tấm gương xấu cho Iran quyết tiến hành tinh chế Uranium để trở thành cường quốc Hồi Giáo nguyên tử Trung Đông. Đấy là chưa kể tới Nhật Bản, Nam Hàn cũng khó cưỡng lại bị cuốn vào vòng sản xuất vũ khí nguyên tử. Dù tân Thủ Tướng Nhật, Shinzo Abe đã lên tiếng khẳng định, ông vẫn duy trì Nhật là nước phi hạt nhân. Cả thế giới đều công phẫn phản đối Hàn Cộng. LHQ lên án, Hôi Đồng Bảo An chuẩn bị giải pháp trừng phạt. Riêng Anh, Mỹ thì muốn dùng biện pháp cấm vận theo Điều 7 của Hiến Chương LHQ, có cho phép dùng đến phương tiện quân sự cưỡng hành. Một nước duy nhất là Iran ủng hộ Hàn Cộng.
Trước khi cho nổ thử nguyên tử 20 phút, Hàn Cộng có báo cáo cho Trung Cộng đàn anh của mình, Trung Cộng lập tức thông báo cho Washington, Tokyo, Hán Thành cùng biết, xem đây như là một hành động vô can. Và trong cuộc gặp làm hòa giữa Shinzo Abe – Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo hôm trước tại Bắc Kinh, 2 bên đã lên tiếng nghiêm khắc cảnh báo Bắc Hàn không nên thử bom nguyên tử. Nhưng đúng lúc Thủ Tướng Nhật, Shinzo Abe có mặt tại Hán Thành, bắt tay thân thiện với TT Roh Moo-hyun, thì Hàn Cộng cho nổ bom. Đây là một hành động khiêu khích có dụng ý, vì từ nhiều năm nay, 3 nước Nhật, Trung Cộng, Đại Hàn, bang giao không thuận thảo, áp lực đối với Hàn Cộng không quyết liêt, nên cuộc họp 6 bên Mỹ, Nga, Tầu, Nhật và Nam Bắc Hàn dậm chân tại chỗ. Nay, nếu Nhật, Tầu, Nam Hàn hòa giải với nhau, thì Hàn Cộng khó thoát khỏi sự khống chế của Bắc Kinh để phải tuân hành giải pháp phi hạt nhân, để rồi từ đó ngoan ngoãn nằm trong vòng tay của đàn anh Trung Cộng.

Thực ra thì khi nhà tỷ phú Dương Bân gốc Hoa, hứa xây dựng cho Hàn Cộng một thành phố kinh tế sát biên giới Trung Hoa, có tầm vóc quốc tế để lấy thế đón nhận đầu tư nước ngoài, bị Trung Cộng bắt bỏ tù và tịch thu cơ sở làm ăn tại Hoa Lục, thì Kim Chính Nhất lãnh tụ Hàn Cộng đã thấy được âm mưu của Trung Cộng là không muốn cho nước mình thoát cảnh nghèo hèn, mà vĩnh viễn phải nhận viện trở của Bắc Kinh để sống cầm hơi, hoạt động ngoài vòng kiểm soát quốc tế, làm nơi trung chuyển giao dịch vũ khí và xuất khẩu nguyên tử, hỏa tiễn cho các nước Hồi Giáo và các nhóm khủng bố thù địch của Mỹ. Chính nhờ vậy mà Hàn Cộng nghiễm nhiên có kỹ thuật và xưởng chế tạo hỏa tiễn, nguyên tử, từ các nguồn cung cấp của Trung Cộng, Pakistan và Nga. Rồi bị Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Âu Châu cô lập. Bắc Hàn rơi vào nạn đói toàn dân, đành phải nhận viện trợ của Nam Hàn, Nhật, Mỹ với điều kiện ngưng sản xuất thiết bị nguyên tử, để đổi lấy viện trợ lương thực. Tiếp đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu nổ ra. Chiến tranh Afghanistan, Iraq làm cho phong trào khủng bố bị phân tán. Các nước Trung Đông không nhập cảng các thiết bị hỏa tiễn, nguyên tử nữa, Hàn Cộng vừa bị mất thế, vừa bị cô lập. Đồng thời bị ép buộc vào bàn đàm phán 6 bên, viễn ảnh sẽ vẫn nằm trong sự khống chế của Trung Cộng.

Biết rõ như thế, nên Kim Chính Nhất đã áp dụng phương pháp “Chí Phèo”, bắn hỏa tiễn, thử nguyên tử, quyết phá ngang hội nghị, đòi nói chuyện trực tiếp tay đôi với Mỹ, không chịu qua trung gian của Trung Cộng. Nhưng rất buồn cho Hàn Cộng là Mỹ không muốn qua mặt Trung Cộng trong vấn đề Hàn Quốc. Có thể do các cuộc thỏa hiệp ngầm từ hội nghị Bàn Môn Điếm 1953 chia đôi Triều Tiên còn dây dưa. Cũng có thể là do thế chiến lược của Hoa Kỳ tại Á Châu Thái Binh Dương cần một đối trọng có thể kiểm soát được, đành phải đề cho Trung Cộng có vai vế của một cường quốc, nên Mỹ không vội gì mà gánh lấy gánh nặng Bắc Hàn. Chính vì vậy, mà Mỹ đã tích cực hỗ trợ cho chủ trương Ánh Sáng Vừng Thái Dương của Nam Hàn, nhằm tiếp tay cho Bắc Hàn tự phát triển kinh tế. Vì chỉ khi nào Bắc Hàn phục hồi nổi kinh tế, đi vào tiến trình Dân Chủ Hóa để dân chúng 2 miền chủ động thống nhất đất nước trong hòa bình, thì mới thoát khỏi cảnh Nhược Tiểu Quốc do các Cường Quốc sai xử.

Trong thế giới thời đại, thì các Nhược Tiểu Dân Tộc chỉ có con đường duy nhất là phải Tự Do Hóa Xã Hội. Thị Trường Hóa Kinh Tế, Dân Chủ Hóa Chế Độ thì mới chuyển đổi thân phận nhược tiểu thành cường quốc, dù cho là dân ít, nước nhỏ như Singapore. Hiện nay Nam Hàn là một cường quốc dân chủ kinh tế, đựơc cả thế giới nhìn nhận. Ngoại Trưởng Nam Hàn, Ban Ki-Moon vừa đựơc bầu làm Tổng Thư Ký LHQ. Còn Bắc Hàn dù có thủ đắc hỏa tiễn, nguyên tử, nhưng dân đói, nước nghèo, sống trong chế độ cộng sản độc tài sắt máu, lãnh đạo bởi một tên điên khùng tăm tối, gây thù với khắp thế giới, thì không những mãi mãi bị các bàn tay bên ngoài chi phối, thân phận nhược tiểu vẫn hoàn nhược tiểu. Nếu lúc nào đó, bị dồn nén bức bách đến độ phát khùng, bắn hỏa tiễn, liệng nguyên tử lung tung, thì cũng chỉ là hành động tự sát. Chủ trương của Kim Chính Nhất muốn vượt thoát khỏi bàn tay nham hiểm của Trung Cộng là điều đáng khen, hơn hẳn bọn lãnh đạo Cộng Đảng Việt Nam u mê, sìu sìu, ển ển, có thật đầy đủ điều kiện vựơt khỏi số phận nhược tiểu quốc, do Hoa Kỳ đưa lại, mà chỉ vì quyền lợi cá nhân và đảng, nên không dám dứt khoát nắm lấy thời cơ. Nhưng với phương pháp dùng hỏa tiễn, nguyên tử để buộc Hoa Kỳ và thế giới phải nhượng bổ yêu sách của mình là việc làm bất trí của Kim Chinh Nhất, chưa biết thân phận dân tộc mình vẫn chỉ là quân cờ thí trong tay các cường quốc, vẫn còn bị ràng buộc bới các loại mật ước đen tối, cho nên chỉ làm khổ dân, dẫn tới chết thân mà thôi.


Little Saigon 10/10/2006.

Lý Đại Nguyên

Hy vọng của Việt Nam được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế -WTO- trước cuộc họp thượng đỉnh APEC vào ngày 18-19/11/2006, có sự tham dự của Tổng Thống Mỹ, Geoge W. Bush, xem ra quá khó rồi. Mặc dù Mỹ muốn để ông Bush tặng cho Việt Nam một món quà đáng giá trong cuộc chính thức thăm Việt Nam. Nhưng trở ngại lớn nhất vẫn nằm ở phía Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam ngoài mặt tuy chứng tỏ có nhiều cố gắng muốn được vào WTO, nhưng thực tế lại ngấm ngầm ra lệnh cho công an áp dụng mọi thủ đoạn đàn áp tôn giáo, sách nhiễu những người lên tiếng đòi tự do dân chủ trong ôn hòa, khiến cho Lưỡng Viện Quốc Hội Mỹ không dám tiến hành các cuộc bỏ phiếu cho Việt Nam được hưởng Quy Chế Thương Mại Bình Thường Vĩnh Viễn - PNTR – trước cuộc bầu cử bán phần vào 07/11/06. Vì sợ cử tri Mỹ lên án các Nghị Sĩ, Dân Biểu của họ là đã thưởng cho chế độ độc đảng, độc tài, tham nhũng đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền, rồi làm sai lạc kết quả cuộc bầu cử giữa 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

Đối với Quốc Dân Mỹ thì Tu Chính Án Số I, đầu tiên 1791 của Hoa Kỳ, là đạo luật Hiến Pháp tối cao được áp dụng triệt để, nên đã trở thành nếp sinh hoạt chính trị phổ biến nơi mọi người. Bởi vậy, Quốc Hội, Chính Quyền của Mỹ, hay bất cứ Quốc Gia nào vi phạm những điều đã ghi trong đó, đều bị dân chúng Mỹ lên án. Điểm đặc biệt Tu Chính Án Số I là cấm Quốc Hội làm luật, mới là thần kỳ trái khuáy, vì chính nó là một đạo luật, không cho phép một đạo luật nào khác xâm phạm vào những khoản mà Tu Chính Án Số I đã quy định và quyết nhận đó là quyền đương nhiên của mỗi công dân sống ở Mỹ được hưởng. Toàn văn Tu Chính Án Số I chỉ ngắn gọn như sau: “Quốc Hội sẽ không được làm luật thành lập tổ chức tôn giáo, hoặc để cấm đoán quyền tự do tôn giáo, hay giới hạn quyền tự do ngôn luận, hoặc báo chí, hay quyền tụ họp của người dân một cách ôn hòa, và quyền thỉnh nguyện thư lên chính quyền để khiếu nại những việc cần được chính quyền làm sáng tỏ”. Tóm lại Tu Chính Án Số I của Mỹ đặt 4 quyền căn bản của Con Người lên hàng tối thượng, mà luật pháp phải bảo vệ, và quyền lực nhà nước không được xâm phạm, đó là Quyền Tự Do Tôn Giáo. Quyền Tự Do Ngôn Luận. Quyền Tự Do Tụ Họp. Quyền Tự Do Khiếu Kiện. Nhưng cả 4 quyền này ở Việt Nam hiện nay đều đã bị Đảng, Chính Phủ, Công An cộng sản vi phạm trầm trọng như cơm bữa. Bảo sao Quốc Hội Mỹ dám làm trái ý dân để bỏ phiếu cho Việt Nam được hưởng quy chế PNTR, trước khi cử tri Mỹ tới phòng phiếu.

Theo phát ngôn viên của Đại Diện Mậu Dịch Hoa Kỳ, ông Sean Spicer, thì. “Chúng ta có những bước tiến với các vấn đề mà họ (VN) phải làm cho phù hợp với luật WTO”. Có nghĩa là luật Cộng Sản Việt Nam chưa đáp ứng được đòi hỏi đúng luật của WTO, nên khó có thể được Tổng Hội Đồng WTO họp ngày 10/10/06 tại Geneva chấp thuận, để trở thành hội viên toàn phần, vào 30 ngày sau khi thông qua bản dự luật để đưa luật pháp Việt Nam phù hợp với luật WTO. Chính vì luật Việt Nam còn quá chênh lệch với luật WTO. Nên Bộ Trưởng Thương Mại, Trương Đình Tuyển của Việt Nam mới đổ bậy nói càn là: “Việt Nam sẽ không gia nhập WTO với bất cứ giá nào” . Đó là ngôn ngữ trịch thượng của bọn cộng sản hãnh tiến đã lỗi thời. Chỉ cốt để vuốt ve tự ái đối với đám lãnh tụ óc bùn, và tỏ ra bất cần vào WTO, nếu tổ chức đó không nhượng bộ yêu sách của Việt Nam. Đối với Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế thì việc các hội viên được quyền tự do, tự chủ tham đự trong luật chơi bình đẳng, công khai, minh bạch. Giống như các đội banh đi dự những giải túc cầu quốc tế. Tất cả phải tôn trọng luật chơi chung duy nhất, nếu không giữ đúng luật thì trọng tài thổi còi phạt, quá lắm bị đuổi khỏi sân. Đâu có chuyện mỗi đội banh lại ra giá cho cuộc chơi chung. Tất cả chỉ có một giá là phải tuân thủ triệt để luật chơi trên sân cỏ. Muốn chơi hay không là ở anh, chứ không phải là ở tổ chức của giải. Muốn chơi cho tốt thì anh phải cố gắng đào tạo tuyển thủ cho thật giỏi, thật có đạo đức và biết tôn trọng kỷ luật cuộc chơi.

Như mọi người đều biết Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế có luật lệ minh bạch công khai, chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trong thị trường tự do ở mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Không cho phép các nước hội viên được giới hạn quyền tự do kinh doanh của người dân, đồng thời phải mở rộng thị trường cho tư doanh nước ngoài vào sinh hoạt bình đẳng, và không được quyền bảo hộ mậu dịch dưới bất cứ hình thái nào. Như vậy việc nhà nước Việt Nam bù lỗ cho các công ty quốc doanh phải chấm dứt. Còn đâu là lý tưởng của Nền Kinh Tế Thị Trường theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, lấy Công Ty Quốc Doanh làm chủ đạo, nhắm vào việc rút cạn nguồn lợi kinh tế quốc dân, đổ vào túi tham nhũng của đảng và đảng viên có chức có quyền nữa.

Vậy chẳng lấy gì làm lạ, cả 10 năm nay, Việt Nam đã mở ra biết bao cuộc thương thảo song phương với các nước đối tác, để hy vọng được gia nhập WTO, mà cho đến nay vẫn thở ra luận điệu là; “Không cần gia nhập WTO bằng bất cứ giá nào”. Nghĩa là bọn lãnh đạo cộng sản tham ô, rất không muốn vào WTO. Nên từ trước tới nay vẫn không chịu rút kinh nghiệm để tự thay đổi luật chơi của nước mình, cho phù hợp với luật chơi chung của tổ chức. Không tạo cơ hội, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tổ chức thành các công ty tư doanh lớn, đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Mà vẫn cứ áp dụng lối thương thuyết cù nhầy bớt một thêm hai. Thật là tốn công quỹ của nhà nước.

Để rồi Mỹ phải cho được hưởng quy chế của một Nền Kinh Tế Phi Thị Trường trong 12 năm, sau khi gia nhập WTO. Nghĩa là để cho Việt Nam từ nền kinh tế phi thị trường hiện nay, trong vòng 12 năm phải thành nền kinh tế thị trường thực thụ. Trong 12 năm này Việt Nam vẫn bị nằm trong quy chế song phương với các đối tác. Vẫn bị tòa án các nước đối tác phán xử theo quy chế song phương đã ký kết, không được khiếu kiện tại Tổ Chức WTO, như các hội viên có nền kinh tế thị trường thực thụ. Ở điểm này chính quyền Mỹ đã mắt nhắm mắt mở để cố đưa Việt Nam vào WTO, nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam chuyển đồi sang nền Kinh Tế Thị Trường, đồng thời để cho các đại công ty đầu tư của Mỹ đổ vốn vào Việt Nam một cách công khai, thay vì từ trước tới nay Mỹ phải mượn các công ty con của mình ở các nước Á Châu, để sống chung với chế độ chính trị độc tài tham nhũng tại Việt Nam. Trong khi đó, các công ty tư bản Âu Châu, và những người Việt ở nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, thảy đều đã ôm đầu máu bỏ chạy. Riêng người gốc Việt thì đa số bị vào tù, vì thủ thuật “cho trốn thuế”của cán bộ cộng sản. Nhưng muốn gì thì gì, sớm muộn Việt Nam cũng phải vào WTO, dù cho Việt cộng có vùng vằng cách mấy cũng chẳng nổi.


Little Saigon 03/10/2006

Lý Đại Nguyên

Với những người thực hành Bồ Tát Đạo, như các thầy Huyền Quang, Quảng Độ, thì việc các nước, các tổ chức quốc tế vinh danh, hay trao những giải thưởng cao quý, như giải Rafto cho Ngài Quảng Độ, ngày 21/09/06, thì không tăng, cũng không giảm đức độ uy tín nơi quý ngài. Nhưng đối với công cuộc vận động tự do tôn giáo, nhân quyền và dân chủ hóa Việtnam lại là một sự kiện đầy ý nghĩa. Nhất là Na Uy một trong những nước Bắc Âu, ở cuộc chiến Nam Bắc trước đây, thường có khuynh hướng ủng hộ cộng sản Bắc Việt. Nay trong lời công bố trao giải Nhân Quyền Quốc Tế Rafto cho HT Thích Quảng Độ đã đưa ra nhận định về thực trạng Việt Nam: “Kinh tế được tự do mở rộng, nhưng đất nước vẫn sống dưới chế độ độc đoán. Nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng chính kiến, hay phê phán thông qua cơ quan truyền thông, đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo, hoặc các công đoàn, mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết Công Ước Quốc Tế về các quyền Dân Sự và Chính Trị”
Chính vì vậy mà Sáng Hội Rafto đã chọn trao giải Nhân Quyền Quốc Tế cho HT Thích Quảng Độ của Việt Nam, với lời công bố: “Hội Đồng Chỉ Đạo quỹ tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải Tưởng Niệm Giáo Sư Thorolf Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ Dân Chủ, Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền. Hòa Thượng Quảng Độ đoạt giải này, vì suốt 30 năm qua, Hòa Thượng đã dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào Dân Chủ đang bùng lên trên toàn quốc”… “Hòa Thượng Quảng Độ một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp nơi quê hương Ngài. Là một tăng sĩ Phật Giáo, học giả và nhà văn, Hòa Thượng đem cả cuộc đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến, cũng như tiếp nối truyền thống Phật Giáo Bất Bạo Động, khoan dung và từ bi”… “Qua cuộc tặng thưởng hôm nay, Quỹ Rafto mong ước nói lên sự hỗ trợ tất cả những người Việt Nam đang đấu tranh để chuyển hóa ôn hòa sang nền Dân Chủ. Kể từ tháng Tư vừa qua, trên Hai Ngàn công dân đã ký tên vào bản kiến nghị “Kêu gọi cho quyền Tự Do Lập Đảng” và “Tuyên Ngôn cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam”… “Những kiến nghị này được ký tên trên bình diện rộng rãi, đến từ các Linh Mục Công Giáo, các Tăng Sĩ Phật Giáo, cựu tù nhân chính trị, cựu viên chức Cộng Sản, cựu đảng viên, giáo sư đại học, giáo viên, y tá, kỹ sư, nhà văn, nhà kinh doanh và nhiều thường dân khác. Ở Việt Nam, riêng sự kiện ký tên vào tài liệu như thế là đã chuốc vào thân sự sách nhiễu, bị bắt bớ và nhiều khi bị cầm tù”.

Sáng Hội Rafto quả đã có nhận định chính xác về thực trạng của những người đang tranh đòi Tự Do Dân Chủ tại Việt Nam, nhưng họ vẫn không sao ngờ được phản ứng về việc trao giải Nhân Quyền cho Hòa Thượng Quảng Độ của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam lại quá thấp kém đến độ, lập tức cử ngay Thứ Trưởng Thường Trực Công An, thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, người đang nắm thực quyền trong hệ thống công an trị của cộng đảng, đến Tu Viện Nguyên Thiều vấn an Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang với mục đích khuyên Ngài nghỉ hưu, và rằng : “Nếu Hòa Thượng Thich Quảng Độ có ra thăm, thì Ngài cũng không nên bàn chuyện Giáo Hội”. Sau lời từ hòa cảm ơn về sự thăm viếng của tướng Nguyễn Khánh Toàn, Đức Tăng Thống, trịnh trọng tuyên bố: “Chí nguyện suốt đời tôi là phục vụ dân tộc, phục vụ đạo pháp, phục vụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cho đến hơi thở cuối cùng. Không ai có thể ngăn cản tôi và Hòa Thượng Thích Quảng Độ bàn chuyện Phật sự của Giáo Hội”. Thế là chủ trương chia rẽ giữa 2 vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội dân lập này của cộng sản một lần nữa bị thảm bại.

Thảm bại nặng nề cho chủ trương khống chế tôn giáo của cộng đảng Việt Nam là ngày 08/09/06, tại Huế, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố Thư Mục Vụ Năm 2006 “Sống Đạo Hôm Nay”. Lần đầu tiên kể từ 1975 đến nay, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mới chính thức công khai đưa ra nhận định về tình trạng Việt Nam rằng: “Trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam đang bước vào tiến trình toàn cầu hóa, vốn đem lại những tác động tích cực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho cả đạo lẫn đời”… “Con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của hoàn cảnh xã hội. Nếu hoàn cảnh xã hội nhào nặn ra những con người, thì con người mới cũng sẽ dần dần tác động làm nên những hòan cảnh mới”… “Để xây dựng một xã hội công bằng, ngoài việc giáo dục để biết tôn trọng những quyền căn bản của con người cũng cần có một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện quyền này. Công việc đòi hỏi đóng góp từ nhiều phía”. Kết luận: “Sống trong đất nước có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người
mới”.

Tuy cả ý và lời của Thư Mục Vụ nhẹ nhàng, nhưng đã đề cập tới việc phải tôn trọng những quyền căn bản của con người và cần một cơ chế thích hợp bảo đảm thực hiện quyền này. Như vậy có nghĩa là Hội Đồng Giam Mục Việt Nam đã mặc nhiên đồng thuận với Lm Nguyễn Văn Lý, các Linh Mục và những Kitô Hữu đã ký tên trong khối 8406. Đòi hỏi nhà nước Cộng Sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và thay dổi cơ chế nhằm Dân Chủ Hóa chế độ. Đồng thời đây là thực hiện hiến chế của Công Đồng Vaticanô II 1962, và Tông Huấn của cố Giáo Hoàng John Paul II, 2002, gởi cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phải giữ tư thế độc lập với thế lực cầm quyền. Khác xa với thái độ ngoảnh mặt đi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trước lời kêu gọi: “Tự Do Tôn Giáo Hay Là Chết” của Lm Nguyễn Văn Lý trước kia. Để rồi cộng sản không cho ông chết, mà chỉ bỏ tù.

Của đáng tội, khi đó khuynh hướng thiết lập bang giao giữa Vatican và Hànội đang tiến triển khả quan, nên hành động quyết liệt của Lm Lý bị trật khớp, dẫn tới tình trạng phân hóa quyết liệt nơi cộng đồng Kitô Giáo trong và ngoài nước. Nhưng các bậc thượng trí trong Giáo Hội đã nhận ra rằng: Nếu Giáo Hội Hoàn Vũ có thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà cầm quyền Hànội, thì số phận của Giáo Dân và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vẫn phải nằm trong Mặt Trận Tổ Quốc và dưới quy chế “xin cho”. Điều tệ hại hơn nữa Giáo Hội tự biến Giáo Dân mình thành kẻ lạ mặt giữa cộng đồng dân tộc đang là nạn nhân của cộng sản, đang quyết liệt tranh đòi tự do dân chủ cho toàn dân. Như vậy, làm sao hoàn thành được lý tưởng đem đạo vào đời. Nhưng với Thư Mục Vụ 2006, chắc các bạn Kitô Hữu đã thở ra nhẹ nhõm, là đã tìm lại đươc chính mình, tìm thấy được anh em đồng bào, đồng đội trong cộng đồng dân tộc, đang tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ Việt Nam.
Little

Little Saigon 26-09-2006.

Nếu không có nhận thức TỰ TRỌNG NHÂN PHẨM của mình - TỰ DO DÂN CHỦ của mình - thì cái gọi là "lòng yêu nước, tính dân tộc" chỉ là cảm tính nông nổi và bầy đàn, nếu chưa nói là gian man

Thư Mục