-Lý Đại Nguyên-
Cuộc Cách Mạng Hoa Lài do thanh niên trí thức, dùng kỹ thuật điện toán, huy động sức mạnh toàn dân, tự phát lật đổ các chế độ độc đảng, độc tài, tham nhũng ở các nước Bắc Phi và Trung Đông, đang lôi cuốn giới trẻ trên toàn thế giới vươn mình đứng dậy quật ngã các chế độ độc tài chính trị, mà tự do kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ, Âu gọi đó là mô hình “Đồng Thuận Bắc Kinh”, một thứ mô hình què quặt với chủ trương “phát triển kinh tế tư bản, mà vẫn duy trì chế độ chính trị độc đảng, độc tài, công an trị”, nhằm cưỡng chống lại với mô hình “Đồng Thuận Washington” đề cao phương pháp “lãnh đạo quản lý theo công thức dân chủ pháp trị và tự do kinh doanh đầu tư, tự do trao đổi thương mại quốc tế trong tiến trình thị trường toàn cầu hoá”. Mô hình này được phổ cập vào cuối thập kỷ 80, của thế kỷ 20, giữa thời điểm chế độ Cộngsản Đông Âu và Liênxô sụp đổ với mô hình “Đồng Thuận Moscow”. Mô hình đó đã kinh qua 2 chế độ “ lãnh tụ độc tôn, kinh tế chỉ huy, mật vụ trị, kiểu Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Kim Nhật Thành… dần dần chuyển sang Xã Hội Chủ Nghĩa độc đảng, độc tài, bao cấp, công an trị. Nhưng rồi mô hình “Đồng Thuận Moscow” này đã bị biến cố lịch sử loại bỏ chỉ trong vòng có 2 năm, từ 1989 đến 1991.
Tuy Cộngsản Quốctế bị tan vỡ, Nhưng Đặng Tiểu Bình đã cứu nguy Trungcộng bằng việc cho tiến hành cải cách kinh tế theo hướng thị trường, mà vẫn duy trì chế độ cộng sản độc đảng, độc tài trung ương tập quyền, công an trị, để rồi Giang Trạch Dân đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, và Hồ Cẩm Đào tăng cường nền kinh tế xuất khẩu, đạt vị thế cường quốc kinh tế số 2 sau Hoakỳ, đồng thời củng cố sức mạnh quân sự, nhằm tranh thắng với Mỹ trong tương lai. Do đó Bắc Kinh đã trở thành khuôn mẫu cho các nước độc tài Á, Phi. Nay mô hình ‘đồng thuận Bắckinh’ đang thi nhau sụp đổ, sau ngọn lửa tự thiêu của người thanh niên trí thức Tunisia, anh Bouazizi, từ trần ngày 04/01/2011, tạo thành cuộc Cách Mạng Hoa Lài, đánh sập chế độ độc tài tham nhũng ‘Gia Đình Trị’ Ben Ali ở Tunisia. Rồi cái chết của thanh niên trí thức Aicập, anh Khaled Said bị cảnh sát bắt ở quán Internet và hành hạ cho tới chết đã là tín hiệu trên mạng internet, tập họp thanh niên và toàn dân kéo đổ chế độ bạo quyền Mubarak ở Aicập và đang đánh tróc gốc các chính quyền độc tài tham nhũng ngoan cố khắp Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á.
Bản chất của cuộc Cách Mạng Hoa Lài vốn không có lãnh tụ, không đoàn thể, không tổ chức, mà là cuộc tự phát của thanh niên trí thức, được võ trang bằng khát vọng tự do, mối nhục tuổi trẻ, với ý chí vùng lên, với phương tiện kỹ thuật cao, phôn cầm tay, internert và các mạng xã hội đã vận động nổi sức mạnh toàn dân xuống đường phố, vô hiệu hóa quân đội, đánh đuổi độc tài, mở ra một cơ hội cho Giới Trí Thức tham dự vào công cuộc xây dựng nền Dân Chủ Tự Do Công Lý tôn trọng Nhân Chủ, Nhân Phẩm, Nhân Quyền, bảo vệ hữu hiệu dân quyền để bầu ra và kiểm soát chính quyền các cấp, qua các phương tiện tự do ngôn luận, tự do chính đảng, tự do nghiệp đoàn, tự do tôn giáo, và các tập thể xã hội dân sự. Chính vì cuộc Cách Mạng không có lãnh tụ thần tượng, không có đoàn thể lãnh đạo, nên dễ tránh khỏi rơi vào cảnh độc tài cá nhân, gia đình trị và độc tài, độc đảng, công an trị. Nhưng Dân chúng chỉ có thể đứng được ở thế đòi hỏi, mà không thể hình thành nổi chế độ. Tình thế này, rất cần đến một chính phủ chuyển tiếp không tham quyền cố vị, giúp dân, giúp nước xây dựng nền tảng cho một chế độ dân chủ, tự do chân chính.
Khi thời của mô hình “Đồng Thuận Bắc Kinh” đã hết, thế của các chế độ độc tài đã mạt, thì các gốc của nó ở Bắckinh cũng sẽ bị tróc rễ, như trước đây chế độ Cộng Sản Quốc Tế đã bị tróc gốc ngay tại Moscow. Chính vì vậy mà Trungcộng thực sự run sợ trước làn sóng đe dọa biểu tình của các trang mạng. Những lời kêu gọi ‘xuống đường’ trên khắp nước một cách quá thông minh của các trang mạng, như đi tay không, không khẩu hiệu, không hô hoán, không tỏ bất cứ thái độ nào, không nhìn vào mắt công an, đi như bách bộ, như trẩy hội, cùng hướng về các công viên, hay điạ điểm trung tâm thành phố. Mà ở đó chứng tỏ cho chế độ biết là điểm hẹn một cách hết sức tự nhiên, buộc an ninh phải đối phó, nhưng lại chẳng buộc tội được cho ai. Từ tuần này, qua tuần khác, ngày nọ sang ngày kia, làm cho hệ thống an ninh mệt nhoài, lãnh đạo điên đầu. Đến lúc chín mùi, hốt nhiên trở thành cuộc tập hợp Bất Bạo Động khổng lồ ở khắp các đô thị. Lúc đó chế độ xuống tay bắn vào đoàn biểu tình, thì lập tức bị lãnh hậu quả trừng phạt mà quốc tế đang nhất tề dành cho tên bạo chúa Gadhafi.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, gồm cả lá phiếu của Trungcộng, 27/02/2011 đồng loạt bỏ phiếu tán thành lệnh cấm vận bán vũ khí, phong tỏa tài sản, đề nghị trao Gadhafi cho Tòa Án Tội Phạm Quốc Tế, do cáo buộc gây tội ác chống nhân loại. Nữ ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton nói: “Hoakỳ không loại trừ chọn lựa nào để buộc chính quyền Libya chấm dứt cuộc đàn áp dã man nhân dân nước họ”. Bộ Tài Chánh Mỹ đã phong tỏa 30 tỷ đôla tài sản của Gadhafi và gia đình. Bộ Quốc Phòng Mỹ đang tái phối trí lực luợng quân sự chung quanh Libya để có thể sử dụng trong công tác nhân đạo và công tác khác khi cần. Tại tòa Bạch Ốc, hôm 28/02/11, tổng thống Mỹ Barack Obama họp với tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon để bàn những việc cần làm, nhằm ngăn chận hành vi bạo lực chống lại thường dân Libya. Bà Susan Rice, đại sứ Mỹ tại LHQ nói: “Tất cả các thành viên trong Hội ĐồngBảo An LHQ nhất quyết bảo đảm rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ có tác dụng càng mau chóng càng tốt”. Bà không quên lập lại lời kêu gọi của tổng thống Obama đề nghị “ông Gadhafi rời chức để tránh đổ máu”.
Xem vậy, nếu dân chúng ở các nước như Trunghoa hay Việtnam thực hiện được các cuộc biểu tình xuống đường Bất Bạo Động tự phát, thì với tấm gương tầy liếp của Gadhafi ở Libya, chắc rằng giới cầm quyền của 2 nước này chẳng thể tàn sát dân chúng tay không tất sắt theo kiểu ‘Thiên An Môn’ được nữa. Vì nền kinh tế sản xuất của Trungcộng và Việtcộng đều đang cột chặt vào thị trường Hoakỳ, Liên Âu, Nhật Bản, Ấn Độ, Đông Nam Á và Thế Giới, nếu bị cấm vận thì lập tức nền kinh tế hướng ngoại đó sẽ tan thành mây khói. Dù có say máu tới mấy, khi nghĩ tới việc các nhà Bank quốc tế phong tỏa tài sản của mình thì tim cũng thắt lại, đầu cũng loãng ra, không còn can đảm ra lệnh bắn vào dân được. Còn biện pháp bắt những nhân vật nổi tiếng đối lập với chế độ và dùng bọn công an côn đồ dằn mặt dân chúng, tấn công các nhà báo nước ngoài thì chỉ làm cho phong trào dân chúng tự phát mau nổ ra mà thôi. Vì đức hiếu sinh, nên nói cho mà biết! Con đường thoát hiểm là Tự Diễn Biến Hòa Bình, Tự Chuyển Hóa từ Độc Đảng, Độc Tài sang Dân Chủ Tự Do: Đa Nguyên Đa Đảng, Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Tôn Giáo, Tự Do Nghiệp Đoàn, Công Bằng Xã Hội…đấy!
Little Saigon ngày 01/03/2011-Lý Đại Nguyên-
Được khích lệ bởi cuộc toàn dân nổi dậy lật đổ các chế độ độc tài tham nhũng ở Tunisia và Aicập, giới hoạt động chống đối nhà nước Libya đã dùng các trang mạng xã hội để kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình chống chính quyền do Moammar Gadhafi đã nắm giữ từ năm 1969 tới nay, lúc ông này làm cuộc đảo chính, lật đổ chế độ quân chủ được Tây Phương hậu thuẫn. Từ đó Gadhafi trở thành độc tôn, toàn trị, áp dụng kiểu ủy ban nhân dân và cảnh sát trị như cộng sản để thống nhất các bộ lạc theo đạo Hồi trên lãnh thổ Libya. Trở thành một trong những trung tâm khủng bố. Chống Mỹ và thế giới Tự Do. Sau cuộc chiến Iraq, Gadhafi đã đổi chiều làm hòa với Mỹ và Tây Phương. Nhưng Libya vẫn là một chế độ độc tài, chuyên chế do Gadhafi trực tiếp chỉ huy. Bị toàn dân chống đối. Hồi giáo không ưa. Thế giới nghi ngờ. Nên chỉ trong vòng một tuần lễ nay, người biểu tình tuy bị đàn áp bắn giết, cả nước có tới 233 người thiệt mạng. Nhưng dân chúng đã chiếm được ít nhất 9 thành phố gồm cả Benghazi, Sirte, Misrata…
Nhiều vị bộ trưởng chính phủ từ chức. Hàng loạt Đại Sứ ở Ấnđộ, Trungquốc, Liên Đoàn Ảrập, Đông Nam Á… từ nhiệm, kêu gọi chống lại Gadhafi. Các sĩ quan cao cấp chống lại lệnh đàn áp dân, chạy sang hàng ngũ người biểu tình. Gadhafi phải sử dụng tới lính đánh thuê Châu Phi lái máy bay để săn giết những người biểu tình xuất hiện trên đường phố. Ngày 21/02/11, Nhà thần học Hồi Giáo, Trưởng giáo Yussef Al-Qardaoui ra thánh lệnh kêu gọi quân đội Libya: “Hạ sát lãnh đạo Gadhafi, kẻ đã ra lệnh cho binh lính bắn vào dân mình”. Liên Đoàn Ảrập đã ngưng không cho Libya tham gia các cuộc họp của Liên Đoàn. Chủ tịch Liên Đoàn, ông Amr Moussa chủ toạ phiên họp khẩn hôm thứ Ba để thảo luận về Libya đã lên tiếng: “Bạo lực nhắm vào những người biểu tình phải chấm dứt”. Trong khi đó Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tham khảo khẩn cấp về tình hình rối loạn tại Libya. Cao Ủy Nhân Quyền LHQ, bà Navi Pillay kêu gọi quốc tế mở cuộc điều tra về những vụ tấn công rộng lớn có hệ thống nhắm vào thường dân. Bà nói: “Những vụ tấn công như thế có thể lên tới mức các tội ác chống nhân loại." Phó đại sứ Libya tại LHQ, người vừa từ bỏ Gadhafi cũng lên án: “Gadhafi phạm tội ác chống nhân loại” đòi truy tố ông ta ra Toà Án Hình Sự Quốc Tế. Tổng Thư Ký LHQ, Ban Ki-Moon tuyên bố: “Kinh hoàng trước hành động bạo lực của chính quyền Gadhafi, đã đem trực thăng võ trang và máy bay quân sự oanh kích thường dân”. Hội Đồng Bảo An có thẩm quyền đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo vệ dân lành.
Trong bài diễn văn đầu tiên từ khi có cuộc nổi dậy, lãnh tụ Gadhafi lên án các cuộc biểu tình chống chính phủ và không chịu từ bỏ quyền lực. Ông tỏ ra tức giận nói năng lung tung, lên án các cuộc biểu tình. Theo ông: “Đợt biểu tình hiện nay là do bè lũ hèn hạ và phản bội đang muốn dựng hình ảnh một Libya trong hỗn độn và làm nhục người dân Libya”. Ông cảnh báo: “Nếu tiếp tục có biểu tình thì tại Libya sẽ xẩy ra nội chiến, hoặc nước này sẽ bị Mỹ chiếm đóng”. Ông lấy việc chính quyền Trungquốc đàn áp người biểu tình trên quảng trường Thiên An Môn ra làm bằng chứng, rằng: ���Khối đoàn kết dân tộc có giá trị hơn mấy người biểu tình nhiều”. Ông không quên chỉ trích các nước Tây Phương, nhất là Anh và Mỹ đang rắp tâm làm Libya mất ổn định. Đúng ra là ở các nước Tunisia, Aicập và Yemen, Bahrain, Hoakỳ công khai hỗ trợ cho dân chúng, cố gắng dàn xếp để có sự chuyển quyền êm thấm, nên các nước Tunisia, Aicập sớm thoát nạn. Các nước Yemen, Bahrain rồi cũng tìm được đường ra. Còn như trường hợp của Libya, hay Iran thì Hoakỳ vẫn đứng vòng ngoài, nên tình thế mỗi ngày, mỗi xấu thêm.
Lúc ông Gadhafi dẫn chứng về vụ Trungcộng đàn áp thành công cuộc biểu tình của sinh viên tại Thiên An Môn, thì ‘Cuộc Cách Mạng Hoa Lài” từ Tunisia đã lan sang Hoalục. Cảnh sát tại Bắckinh, Thượnghải và 11 thành phố lớn khác ở khắp nước Trunghoa trong vòng 36 tiếng kể từ tối thứ Bảy 19/02/11, đã ra tay cô lập, bắt giữ ít nhất là 100 nhà đấu tranh và những luật sư về nhân quyền. Một trong những lời kêu gọi trên mạng internet tối thứ Bảy, nguyên văn: “chúng tôi kêu gọi những công nhân đang thất nghiệp, những người bị chính phủ dùng áp lực để lấy nhà đất, cùng nhau tham gia vào cuộc biểu tình, hô to những khẩu hiệu đòi Tự Do Dân Chủ, đổi mới Chính Trị và chấm dứt chế độ Độc Đảng”… “ đòi cơm ăn, nhà ở, việc làm”. Công an Trungcộng kịp thời tràn ngập các điạ điểm, mà các cuộc biểu tình dự trù diễn ra trên khắp nước.
Từ lâu nay, Trungcộng vẫn dựa vào sự phát triển kinh tế để làm chiếc bánh vẽ nuôi hy vọng cho người dân, đồng thời, lấy niềm tự hào Đại Đế Quốc Hán khích lệ ý chí toàn dân. Nhưng lâu dần, tuyệt đại đa số người dân vẫn thấy mình nghèo khổ, chỉ có thiểu số gia tộc cộngsản là quyền thế, giầu sang, sung sướng. Mộng Đế Quốc Bành Trướng, đang bị Hoakỳ dùng sức mạnh quân sự chận đứng ngay tại ven biển Trunghoa. Đô đốc Robert Willard, Tư Lệnh Lực Lượng Hoakỳ tại Á Châu – Thái Bình Dương khi thẩm định về vị thế Hoakỳ ở Áchâu TBD đã nói: “Washington có khuynh hướng chú trọng tới vùng Đông Bắc Á để giúp Nam Hàn ngăn chặn nguy cơ tấn công của Bắc Hàn, đồng thời củng cố liên minh Mỹ-Nhật”. Ông nhấn mạnh: “Lực lượng của Mỹ có bổn phận duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ và liên tục tại vùng Đông Nam Á, Nam Á, và Châu Đại Dương”. Bởi thế, việc Trungcộng dùng chiêu bài phát triển kinh tế để dụ dân không xong. Dùng chiến tranh mở mang đế quốc để khỏa lấp những đòi hỏi thay đổi chính trị không nổi. Mà ảnh hưởng của Cách Mạng Hoa Lài và nhu cầu cấp thiết như: Cơm Ăn, Nhà Ở, Việc Làm của người dân thì Trungcộng không thể thoả đáp. Dân vùng lên đòi hỏi. Nhà nước dùng Côngan đàn áp. Với thời đại internet phổ cập, cả thế giới đều nhìn vào Hoalục, đều quan tâm tới quyền sống, quyền làm chủ của toàn dân Trunghoa. Vì vị thế cường quốc kinh tế thế giới, Trungcộng không thể xuống tay tàn sát dân của mình như Đặng Tiểu Bình đã làm trong vụ Thiên An Môn được nữa.
Một lối mòn duy nhất để Trungcộng khai thác là cuộc xung đột giữa Campuchia và Tháilan về ngôi đền Preah Vihear, hòng chia rẽ khối ASEAN. Nhưng cả Campuchia và Tháilan đã đồng ý cho Asean điều quan sát viên quốc tế tới vùng biên giới tranh chấp, nhằm làm giảm căng thẳng. Tuy không nói ra, tất cả các nước trong khối ASEAN đều biết, Trungcộng là nước có lợi nhất khi các nước trong tổ chức ASEAN chống đối lẫn nhau. Thế là ngõ bành trướng nhỏ hẹp này cũng đã bị bịt lại. Trungcộng không thể mãi mãi nhảy lò cò một chân kinh tế, mà phải đi bằng một chân chính trị nữa thì mới theo kịp với thế giới thời đại. Nếu cứ ngoan cố giữ độc đảng, độc tài, toàn trị, tham nhũng, đến một lúc nào đó, quân đội sẽ đứng về phía người biểu tình, như ở Tunisia, Aicập thì chế độ Trungcộng sẽ cáo chung.
Litte Saigon ngày 22/02/2011