Trước thảm cảnh thiên tai vừa mới xẩy ra ở Miến Điện, hầu như khắp các nước trên thế giới đều thực tâm muốn giúp cho nạn nhân ở đó, mau chóng vượt qua giai đoạn cực kỳ nguy hiểm: Cứu sinh mạng, cứu đói khổ, trị dịch bệnh, lập nơi tạm trú… Nhưng nhà cầm quyền quân phiệt, độc tài, tham nhũng của Miến Điện đã tàn nhẫn khước từ, chỉ nhận đồ cứu trợ, mà không cho các chuyên gia, thiện nguyện viên ngoại quốc vào giúp đỡ, khiến cho những người không đáng chết, phải chết oan. Ở đây thấy rõ một điều là chế độ độc tài không bao giờ biết thương dân, lo cho dân, mà chỉ sợ mất quyền hành. Tệ nhất là chúng coi thiên tai là cơ hội để chúng ăn chặn đồ cứu trợ của những nhà hảo tâm, và viện trợ của quốc tế. Liền sau đó là vụ động đất lớn tại Trung Hoa, tuy nhà cầm quyền Trungcộng vốn độc tài, nhưng đã mở cửa giao tiếp với thế giới bên ngoài, nên đã dễ dàng đón nhận sự trợ giúp từ nước ngoài. Như vậy, cho thấy, thiên tai xẩy ra bất cứ nơi nào trên địa cầu thì cũng là mối lo chung của nhân loại, các nước đều có nghĩa vụ thiêng liêng phải giải quyết. Chỉ có những chế độ độc tài cực đoan, tự cô lập mới để mặc cho dân chết, không nhận sự trợ giúp và không chịu giúp các nước khác khi bị thiên tai.
Do đó, vấn đề Dân Chủ Hóa chể độ ở mỗi quốc gia hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của cả thế giới. Khi đặt vấn đề Dân Chủ Hóa Chế Độ, là đặt bổn phận trách nhiệm cho Nhà Đương Quyền phải thay đổi luật lệ từ độc tài chuyên chế đảng trị, hay độc tài cá nhân trị, gia tộc trị sang các luật lệ tự do dân chủ, để cho người dân có thực quyền: Tự Do Tư Hữu, cả về hai mặt tinh thần và tài sản. Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Lập Hội và Tự Do Lựa Chọn. Từ đó tạo ra một Xã Hội Đa Nguyên Tự Do, một nền Kinh Tế Thị Trường Tự Do, một thể chế Chính Trị Dân Chủ Tự Do, được Điều Hợp theo Hiến Pháp Dân Chủ, với một hệ thống luật pháp minh bạch trong sáng tôn trọng Nhân Quyền, và được Điều Hành bởi những người do toàn dân lựa chọn. Việc đó, vừa mới được một vương quốc Bhutan nhỏ bé, nằm sâu trong dẫy Hy Mã Lạp Sơn thực hiện hết sức ngoạn mục. Quốc vương Jigme Singye Wangchuk, trước khi truyền ngôi cho con là vua Jigme Khesar Namgyal Vangchuk, Ngài đã trao hầu hết quyền hành pháp cho một Nội Các, và cho Quốc Hội được quyền đàn hạch Nhà Vua. Từ đó nước Bhutan bước vào sinh hoạt chính trị tự do đa đảng và phát triển kinh tế dựa trên phúc lợi của dân – Gross National Happiness - là chủ trương đổi mới của Thái Thượng Hoàng, và có sự đóng góp của ông Jigmi Thinley. Rồi với một cuộc bầu cử Dân Chủ trong sạch, đảng đối lập của ông Jigmi Thinley đại thắng. Quốc vương vẫn là Tổng Tư Lệnh quân đội và được chỉ định 5 vị trong Thượng Viện. Bhutan từ một nước Phong Kiến lạc hậu buớc vào chế độ Dân Chủ trong sáng là nhờ công của những nhà Lãnh Đạo biết nhìn xa trông rộng, luôn luôn đặt quyền lợi của dân lên trên quyền vị cá nhân mình, nên được người dân muôn đời kính trọng, biết ơn, thế giới ngưỡng mộ, mà uy quyền hiện nay vẫn không mất.
Nhìn về Việtnam, thấy mà buồn, nhà cầm quyền Việtcộng hiện nay, thà mất dân, mất nước, mất chủ quyền vào tay ngoại bang, chứ không chịu sớm Dân Chủ Hóa chế độ, để trao quyền lại cho toàn dân, để dân làm chủ nước, nước có chủ quyền thực sự, để chủ động gia nhập tiến trình toàn cầu hóa với sự tôn trọng của cả thế giới. Thực sự thì cái gọi là chủ nghĩa cộng sản, hay xã hội chủ nghĩa, nó đã bị biến thái thành thứ “Tư Bản Man Rợ,” ngay từ khi Việtcộng buộc phải mở cửa chạy theo Kinh Tế Thị Trường, nhận vốn đầu tư và làm ăn với ngọai quốc. Nó man rợ, vì đảng vừa độc quyền chính trị tham nhũng, vừa tạo ra các công ty quốc doanh, dùng vốn của quốc dân, độc quyền làm kinh tế, thu lợi vào tay đảng, chia lợi nhuận cho nhau theo ngôi thứ quyền lực, biến các lãnh tụ đảng thành các tay tài phiệt khổng lồ. Rồi hợp thức hóa những tài sản đen tối đó dưới chiêu bài cho đảng viên là kinh tế Tư Doanh. Nghĩa là đảng mặc nhiên công nhận quyền Tư Hữu của đảng viên, nhưng toàn dân vẫn bị nằm trong Cơ Chế Công Hữu do nhà nước quản lý. Do đó, kẻ có quyền thế mới tha hồ nhân danh luật lệ công hữu để chiếm đoạt đất đai, tài sản của dân làm của riêng. Cảnh Dân Oan khiếu kiện tràn ngập khắp nơi, mà không có lối giải quyết là vì thế.
Khi đảng đã cho đảng viên làm kinh tế tư doanh, thì sớm muộn gì nhà nước Việtcộng cũng phải ban hành đạo luật công nhận quyền Tư Hữu của mỗi công dân, thế mới hợp pháp hóa được tài sản tư hữu bẩn thỉu của đảng viên. Đây cũng là cái gốc của nền Kinh Tế Thị Trường thực sự, chứ không thể lấp liếm trong khẩu hiệu “Kinh Tế Thị Trường theo Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” được mãi, khi đảng viên đã từ bỏ chủ nghĩa xả hội chết tiệt rồi. Như vậy, vì quyền lợi thiết thân của Việtcộng, vì nhu cầu của thị trường, vì đòi hỏi của quốc tế, nền Kinh Tế Thị Trường Tự Do cũng đã và đang thành hình tại Việtnam không thể cưỡng lại. Mà Kinh Tế Thị Trường Tự Do tất nhiên sẽ kéo theo Xã Hội Đa Nguyên Tự Do. Bởi vậy Việtcộng mới tìm mọi cách tránh né, không chịu cho ra đời những đạo luật công nhận sự hình thành và sinh họat tự do của các Tổ Chức Xã Hội Dân Sự. Mặc dầu chúng đã ký vào các Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị 1966. Công Ước Quốc Tế Về Những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa 1966. Ngay trong lời mở đầu của 2 công ước căn bản này đã ghi: “Xét rằng, nghĩa vụ của quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và quyền tự do của con người.”
Ấy thế mà Việtcộng đã nhân danh Việtnam để gia nhập LHQ, ký vào các Công Ước Quốc Tế, làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An, và triển vọng trở thành Chủ Tịch Đại Hội Đồng LHQ, mà vẫn không tôn trọng Nhân Quyền của dân mình. Vẫn không ban hành các đạo luật thành lập và sinh hoạt cho các tổ chức Xã Hội Dân Sự, mà lại cho ra đời những luật lệ phản động như “Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo” bắt các Tôn Giáo muốn được sinh hoạt công khai phải đặt dưới sự quản trị của Mặt Trận Tổ Quốc, một tổ chức ngoại vi của đảng Việtcộng. Theo nhận định của Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ thì chính quyền Việtnam “đã đặt ra những luật lệ, nhằm giới hạn hoạt động của các tôn giáo.” Tất cả các cơ quan Truyền Thông Báo Chí đều là của đảng. Do đảng viên trực tiếp điều hành. Chính vì vậy mà bọn tham nhũng có quyền thể tha hồ lộng hành. Một thể chế Dân Chủ thực sự không thể thiếu được một nền Truyền Thông Báo Chí Tư Nhân Tự Do. Đối với thực trạng Việtnam hiện nay thì Lộ Đồ Dân Chủ Hóa phải bắt đầu bằng việc hủy bỏ những đạo luật khống chế Tôn Giáo, độc quyền Truyền Thông. Ban hành các luật lệ Tự Do Tư Hữu về tư tưởng và tài sản của mỗi công dân. Ban hành các luật lệ về quyền tự do dân sự và chính trị, để cho các tập thể Xã Hội Dân Sự, các Chính Đảng công khai sinh hoạt, thúc đẩy tiến trình Dân Chủ Hoá Chế Độ, đi từ thay đổi Hiến Pháp độc tài sang dân chủ, và các luật lệ từ khống chế, khủng bố sang bảo vệ nhân quyền, để người dân thực hiện quyền tự do phát biểu ý kiến và tự do lựa chọn những đại biểu của mình trong các cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp của Quốc Gia, và các chính quyền địa phương, nhất là cần thực hiện một nền Dân Chủ Trực Tiếp tại Làng Xã vốn là cơ sở hành chánh gốc của Truyền Thống Dân Chủ Dân Tộc.
Little Saigon ngày 20-05-2008.
Lý Đại Nguyên
Nhằm lấp liếm đi những hành vi đàn áp tôn giáo, tiêu diệt đối lập, vi phạm nhân quyền, Việtcộng đã đăng cai tổ chức Đại Lễ Vesak 2008 của LHQ. Nhưng không sao che mắt được Thế Giới. Trước khi Đại Lễ Phật Đản khai diễn từ ngày 13 đến 17/05/2008, thì Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ ngày 03/05/08, đã kiến nghị Bộ Ngoại Giao Mỹ, nên ghi tên Việtnam trở lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt - CPC - Theo Ủy Ban này: “Hànội đã không giữ các cam kết về tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Còn hệ thống luật pháp, bộ máy tư pháp của Việtnam thiếu minh bạch và độc lập.” Ngày 09/05/08, tổ chức Human Rights Watch, phê phán Việtnam vẫn giam giữ Phật Tử trong lúc chuẩn bị tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc. Theo họ ở Việtnam hiện nay vẩn có “hơn 400 người bị giam vì các hoạt độn tôn giáo và chính trị một cách hòa bình.” Ngày 10/05/08, 51 nhân vật quốc tế, như Giải Nobel Hòa Bình, Giám Mục Thiên Chúa Giáo, Giáo Sĩ Do Thái Giáo, Tu Sĩ Phật Giáo, Tin Lành, Dân Biểu, Nghị Sĩ Hoa Kỳ, Châu Âu, cùng những nhà lãnh đạo các tổ chức nhân đạo quốc tế đã gửi thư đến nhà cầm quyền Hànội, đòi chấm dứt mọi sự đàn áp nhắm vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong thư viết: “Nhân dịp Đại Lễ Phật Đản LHQ, chúng tôi kêu gọi quý ông hãy chấm dứt mọi đàn áp đối với GHPGVNTN, trả tự do cho Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang, Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, và phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của GHPGVNTN. Bằng động thái đó, quý ông sẽ tái lập ý nghĩa đích thực cho Ngày Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc, và tôn vinh 2000 năm truyền đăng nền Phật Giáo Việt Nam.”
Tuy Đại Lễ Vesak 2008 của LHQ được nhà cầm quyền Việtcộng đứng ra tổ chức trình diễn linh đình tại Hànội, làm nức lòng những Phật Tử, và dân chúng Miền Bắc, vì từ ngày cộng sản nắm quyền đến nay, họ chỉ có phá chùa, bắt sư, tẩy não Phật Tử chứ không bao giờ cho phép tổ chức lễ Phật. Nay đảng và nhà nước Việtcông bỗng “phát tâm” mừng lễ Phật Đản, nên dân chúng đã hân hoan kéo nhau về tham dự, nhưng chỉ được đứng ngoài hội trường, không thể hòa mình trong buổi lễ. Còn ở các điạ phương Miền Nam thì cho tổ chức rất giới hạn và được kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là những nơi có Ban Đại Diện GHPGVNTN. Đặc biệt là tại Thanh Minh Thiền Viện, Sàigòn, nơi ở của Ngài Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Công bằng mà nói: “Nếu không có cuộc trường kỳ vận động cho Tự Do Tôn Giáo và đòi phục hoạt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dân lập, do 2 Ngài Huyền Quang, Quảng Độ lãnh đạo Tăng, Ni, Phật Tử trong, ngoài nước, cùng đứng lên tranh đòi và được dư luận toàn thế giới hậu thuẫn, thì Việtcộng đâu có cần phải tổ chức Đại Lễ Vesak. Khi một chế độ vô thần đã phải bỏ công của ra để làm một lễ hội tôn giáo, có tính quốc gia của quốc tế, nhằm tôn vinh đấng Giáo Chủ của một tôn giáo, thì dù với bất cứ thứ lý do nào, hoặc bất cứ âm mưu đen tối cách mấy, thì trên thực tế, họ đã phải đầu hàng trước sức mạnh tinh thần tôn giáo rồi.”
Sau khi lễ Phật Đản LHQ kết thúc, thì một cuộc đối thoại song phương Việt - Mỹ về vấn đề nhân quyền khai diễn vào ngày 29/05/08. Đây là một cuộc đối thoại mà phái đoàn của Mỹ đã có những cuộc thảo luận, lắng nghe những ý kiến của phía Người Việt Tỵ Nạn tại Hoa Kỳ. Tất nhiên, nhu cầu nhập nội Việtnam của Mỹ là ưu tiên hàng đầu, nên Mỹ đã phải “mắt nhắm, mắt mở” rút tên Việtnam ra khỏi danh sách CPC. Nhưng nay, không vì vậy, mà Việtcộng có thể lẩn tránh mãi được vấn đề Tự Do Tôn Giáo, vì chính giới và dư luận Mỹ rất quan tâm về vấn đề nhậy cảm này. Về phía Tòa Thánh Vatican cũng đã phổ biến tin tức là sẽ có một phái đoàn Vatican viếng thăm Việtnam vào tháng 6/08. Theo tin này, vấn đề tài sản của Giáo Hội Công Giáo, như Tòa Khâm Sứ, Thánh Địa La Vang, Giáo Hoàng Học Viện sẽ được đặt ra. Từ ngày 18/12/2007 tới nay, phong trào đòi Việtcộng trả lại tài sản của Giáo Hội Công Giáo Việtnam vẫn tiếp tục nổ ra. Măc dầu có sự can thiệp của Hồng Y Tarcisio Bertone, Bộ Trưởng Ngoại Giao của Tòa Thánh, nên các vụ tập họp của Giáo Dân trước tòa Khâm Sứ Hànội mới chấm dứt, nhưng cho tới nay chính phủ vẫn chưa có một hành động nào để thực hiện lời hứa sẽ trao trả tài sản này lại cho Giáo Hội. Trái lại nhiều vụ phản kháng tương tự về tài sản trước đây thuộc quyền sở hữu của Giáo Hội cũng lại xẩy ra tại các giáo phận khác như ở Hànội, Hà Đông, Sàigòn và Vĩnh Long.
Khi tòa thánh Vatican chưa thiết lập bang giao toàn diện với Việtnam, thì Việtcộng chưa có lý do chính đáng để trao tòa Khâm Sứ cho Tòa Thánh, còn việc bảo trả lại tòa Khâm Sứ cho Địa Phận Hànội, thì tất cả các đất đai của Giáo Hội Thiên Chúa ở Việtnam đều phải trả lại hết, làm vậy Việtcộng đâu chịu thấu. Mà không trả thì giáo dân có lý do chính đáng để đấu tranh hoài. Trói được Hội Đồng Giám Mục và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trong Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo, đặt dưới quyền điều khiển của Mặt Trận Tổ Quốc, làm công cụ cho Cộng Đảng, tưởng như thế là đã yên, khỏi lo về việc đấu tranh đòi tự do của một tôn giáo có tổ chức quy mô, có tầm vóc quốc tế. Nhưng nay, vì vấn đề tài sản, mà tạo thành các cuộc biểu tình đòi công lý, thì đâu cũng vào đấy. Còn nếu tòa thánh Vatican vội thiết lập bang giao với Việtnam, trong lúc Việtcộng còn duy trì thứ Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo quái đản trên, thì Vatican đã trao con cái mình cho quỷ sứ rồi vậy. Một tôn gíáo có chiều dầy gần Hai Ngàn Năm trên hoàn vũ, đâu có vội làm như thế.
Đã đến lúc Hànội phải giải quyết dứt điểm về vấn Tự Do Tôn Giáo ở Việtnam, bằng cách hủy bỏ Pháp Lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo do Thường Vụ Quốc Hội tạo ra, thay vào đó bằng những bản Hiến Chương do chính mỗi Giáo Hội đệ trình trước Quốc Hội, được Dân Biểu thảo luận công khai và biểu quyết thành Luật, để Giáo Hội đó có trách nhiệm thực thi, để cho Chính Quyền có tránh nhiệm bảo vệ, và Tòa Án có trách nhiệm giải thích khi bị vi phạm. Lẽ đương nhiên Quốc Hội sẽ không chấp thuận những bản Hiến Chương có tính cách Tà Quái, Phi Luân, Bạo Hành… Có như vậy mới giải quyết được vấn đề Tự Do Tôn Giáo một cách êm đềm, mới huy động được sức mạnh tâm linh của các tín đồ mọi tôn giáo vào việc chấn hưng đạo đức, lành mạnh hóa xã hội, và mới huy động được nội lực dân tộc vào công cuộc dựng nước, giữ nước, trong tiến trình toàn cầu hóa, mà các thế lực quốc tế đen tối vẫn còn đầy rẫy.
Little Saigon ngày 27-05-2008.